Để thích ứng và thích nghi với BĐKH ngày càng phức tạp, cùng với các giải pháp về quy hoạch đô thị, xử lý chất thải, nước thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí... thì việc đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cũng đang được TPHCM đặc biệt quan tâm.
Chủ động ứng phó
Theo Sở Công thương TPHCM, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, hiện thành phố vẫn đang gặp phải thách thức trong quá trình triển khai các kế hoạch. Cụ thể còn nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, mức tiêu thụ điện tăng cao. Việc áp dụng giải pháp tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp chủ yếu là biện pháp thay đổi tổ chức, dịch chuyển thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, giảm công suất thiết bị vào giờ cao điểm…
Công tác kiểm toán năng lượng chưa được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, dẫn đến việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều gia đình, doanh nghiệp đã tự lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng trong gia đình và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời và hướng dẫn mua lại lượng điện năng dư thừa từ các hộ tiêu thụ, dẫn đến hiệu quả khuyến khích người dân đầu tư lĩnh vực này còn thấp.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng tiêu chí tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp phải cải thiện quy trình sản xuất, trang thiết bị máy móc và cao hơn là phải đổi mới công nghệ. Trong khi đó, nội lực vốn doanh nghiệp Việt có hạn, áp lực cạnh tranh gay gắt. Chính phủ và UBND TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp tiếp cận được chính sách trên.
Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM vừa qua, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh phản ánh, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - loại hình sản xuất đang được thành phố ưu tiên hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, đã hơn 2 năm làm thủ tục xin được hỗ trợ vốn nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này. Đồng quan điểm, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, công nghệ đầu tư nhằm thực hiện tiết kiệm năng lượng nói riêng và tăng nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp
Trước thực tế trên, Sở Công thương TPHCM đã triển khai hỗ trợ chi phí kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong tổ chức xây dựng dự án đầu tư tiết kiệm điện cho các doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, sở còn trực tiếp triển khai các chương trình tuyên truyền cụ thể như Chương trình “Gia đình tiết kiệm điện” nhằm kêu gọi các bộ phận người dân nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Hiện đã có gần 800.000 hộ gia đình tham gia thực hiện cam kết tiết kiệm điện, với sản lượng điện tiết kiệm ước tính gần 500 triệu kWh.
Bà Lương Xuân Nhung, Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương TPHCM, cho biết thêm để phấn đấu mục tiêu tiết kiệm năng lượng trung bình hàng năm đạt từ 2% - 2,5%, mức tiêu thụ năng lượng tương đương giảm khí phát thải nhà kính từ 220.000 - 250.000 tấn CO2, góp phần bảo vệ môi trường, thời gian tới, Sở Công thương TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, phổ biến những kiến thức, chính sách về sử dụng năng lượng đến các bộ phận người dân. Phổ biến, hình thành và phát triển thị trường chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh - sạch, thông qua tổ chức các hội chợ triển lãm.
Phát triển mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh quy mô hộ gia đình như hầm biogas, thiết bị đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, cải thiện hiệu suất nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ các cơ sở khảo sát, xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, thực hiện tiết kiệm năng lượng, khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng; xây dựng các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ sử dụng năng lượng.
Chia sẻ về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên 1,74% tổng công suất tiêu thụ trên toàn thành phố. Tổng công suất năng lượng tái tạo trên địa bàn TPHCM tính đến thời điểm hiện nay là 35,4MW, so với nhu cầu phụ tải max toàn thành phố 100% là 3.575MW, đạt tỷ lệ 0,99%.
Hiện nay, thành phố đã có chủ trương sử dụng năng lượng mặt trời tại các tòa nhà cao tầng và trong tương lai nếu lựa chọn đơn vị đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt có nhu cầu thu hồi năng lượng sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh việc ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các khu xử lý chất thải rắn, Sở Xây dựng và Sở Công thương đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình xây dựng, ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, dự án xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5 theo lộ trình của Chính phủ, để từng bước thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92.