Tăng nội lực để cải thiện chất lượng môi trường nước

Giảm thiểu ô nhiễm nước thải là một trong những mục tiêu quan trọng của TPHCM nhằm từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều giải pháp cải thiện môi trường đã được Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM triển khai và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.


Xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG
Xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Kiểm soát nước thải công nghiệp

Hiện trung bình mỗi ngày trên địa bàn TPHCM tiếp nhận hàng triệu mét khối nước thải từ hoạt động dịch vụ y tế, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp. Lượng nước thải này chứa hàm lượng các chất ô nhiễm nghiêm trọng nên việc kiểm soát chất lượng nguồn nước thải được xem là cấp thiết và quan trọng nhằm bảo vệ chất lượng hệ thống nước mặt trên tuyến sông, kênh rạch và nước ngầm trên địa bàn thành phố.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết từ năm 2017, sở đã tập trung xác định rõ nguồn thải để có những giải pháp xử lý phù hợp. Theo đó, sở xác định có 4 nguồn nước thải chính là nước thải y tế, sinh hoạt, khu sản xuất công nghiệp tập trung và các cơ sở sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Đối với cơ sở y tế, sở đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra và yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện công lập, ngoài công lập, trạm y tế, trung tâm y tế quận - huyện, phòng khám… đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đến nay đã có 114 bệnh viện công lập và ngoài công lập, 319 trạm y tế, 41 trung tâm y tế quận - huyện, 218 phòng khám đa khoa, 75 phòng xét nghiệm và 8 nhà hộ sinh đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Cùng với đó, có 20 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đảm bảo xử lý đạt chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài gần 55.000m³ nước thải/ngày đêm trên tổng công suất thiết kế hơn 80.000m³ nước thải/ngày đêm. Trước đó, năm 2017, chỉ mới có 17/20 khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tư hạ tầng xử lý nước thải công nghiệp và kết nối dữ liệu quan trắc về trung tâm quan trắc của Sở TN-MT TPHCM.

 Riêng lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp chưa thực hiện đảm bảo 100%. Lý giải vấn đề này, Sở TN-MT TPHCM cho biết, với cơ sở sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, sở thống kê được 2.501/2.765 cơ sở thực hiện xử lý nước thải, đạt 90,5%. Còn với nước thải sinh hoạt, việc xử lý khó khăn hơn rất nhiều. Theo ước tính, hiện lượng nước cấp trên toàn thành phố khoảng 1,9 triệu m³/ngày đêm. Tương ứng lượng nước thải phát sinh khoảng 1,7 triệu m³/ngày đêm. Thế nhưng, đến nay thành phố chỉ mới đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung là Bình Hưng (giai đoạn 1) và Bình Hưng Hòa với tổng công suất xử lý 171.000m³ nước thải/ngày đêm, Bên cạnh đó, lượng nước thải thu gom, xử lý cục bộ từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đô thị, khu chung cư mới đạt thêm khoảng 200.000m³ nước thải/ngày đêm. Như vậy, tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý chỉ mới đạt 21,2% tổng lượng nước thải phát sinh.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý nước thải

Theo nhiều chuyên gia môi trường, để đạt chỉ tiêu kiểm soát chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp là không khó. Theo đó, cần phối hợp với các quận - huyện đẩy mạnh hoạt động rà soát, thống kê, kết hợp tăng cường xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, chức năng giám sát phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường của cộng đồng. Bởi lẽ, tính cho đến hiện nay, nhận thức của cộng đồng với vấn đề bảo vệ môi trường đã rất tốt. Sẽ không có cộng đồng dân cư nào chấp nhận để doanh nghiệp hoạt động trong khu dân cư mà gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng vận dụng tốt biện pháp chế tài xử phạt. Có thể nói, với mức phạt tối đa lên đến 2 tỷ đồng/hành vi vi phạm môi trường cũng đủ sức răn đe cơ sở sản xuất vi phạm.

Riêng đối với xử lý nước thải sinh hoạt, nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư nước thải đô thị. Hiện theo dự tính của thành phố từ nay đến hết năm 2025, sẽ đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị, nâng tổng công suất xử lý nước thải đạt trên dưới 80%. Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên, cho rằng việc xã hội hóa đầu tư xử lý nước thải đô thị gặp nhiều khó khăn do nhà đầu tư không mặn mà. Mặt khác, đơn giá xử lý nước thải chưa được xây dựng rõ ràng và minh bạch, không thể làm cơ sở để doanh nghiệp xem xét tính toán phương án đầu tư. Do vậy, cần thiết phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực xử lý nước thải đô thị; trong đó, nhất định phải xác định lộ trình đơn giá xử lý từng mét khối nước thải tại những khu vực phù hợp.

Ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cho rằng cần đảm bảo nguyên tắc người xả nhiều nước thải sẽ phải đóng phí xả thải nhiều hơn. Hiện trung bình mỗi năm, tổng phí nước thải thành phố thu được của gần 2.790 cơ sở sản xuất với tổng lưu lượng khoảng 143.430m³/ngày đêm chỉ có 8 tỷ đồng. Chi phí này không đủ bù đắp tái đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải của thành phố. Do đó, thành phố cũng đã đưa ra dự thảo điều chỉnh mức thu phí nước thải.

Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất có lượng nước thải dưới 5m³/ngày đêm sẽ đóng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm. Còn các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m³/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Dự ước, với cách tính phí này, tổng phí nước thải thành phố thu được khoảng 60 tỷ đồng/năm. Hiện dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, cần thiết phải tính toán và áp dụng nhằm tăng nội lực cải thiện chất lượng môi trường nước trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục