Tăng nội lực cạnh tranh

Theo các chuyên gia của chương trình SCORE, mục tiêu chính của SCORE tại DN là cải tiến được phương pháp làm việc của cán bộ quản lý và công nhân, tăng cường hợp tác nơi làm việc, xây dựng thói quen làm việc mới, khoa học và hiệu quả hơn.
Cải thiện hiệu suất sản xuất là một trong những mục tiêu sống còn của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TPHCM phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đẩy mạnh triển khai chương trình Phát triển DN bền vững (SCORE), nhất là các DN vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố, từng bước hỗ trợ DN gia nhập được chuỗi cung ứng.
Tăng nội lực cạnh tranh ảnh 1 Các DN trình bày ý tưởng cải tiến khi tham gia chương trình SCORE
5S - yếu tố sống còn  Theo các chuyên gia của chương trình SCORE, mục tiêu chính của SCORE tại DN là cải tiến được phương pháp làm việc của cán bộ quản lý và công nhân, tăng cường hợp tác nơi làm việc, xây dựng thói quen làm việc mới, khoa học và hiệu quả hơn. Những DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được tham gia các khóa đào tạo cải tiến, nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DN sẽ được trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng, cũng như lên kế hoạch nhằm thực hiện 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và cải tiến liên tục (kaizen). Khóa đào tạo gần nhất bắt đầu từ ngày 22-12 và diễn ra trong vòng 3 tháng dành cho 6 DN. Tham gia chương trình SCORE lần này, ông Võ Tấn Giỏi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Máy và sản xuất Thép Việt, cho rằng khi DN muốn phát triển, theo kịp công nghệ hiện thời, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải luôn không ngừng đổi mới, cải tiến. Thực tế tình hình sản xuất cho thấy, hiện điểm mạnh của công ty là được sự hỗ trợ để thực hiện 5S và kaizen. Thế nhưng, giải pháp nào để triển khai cũng như duy trì vấn đề trên thì công ty đang rất lúng túng. Do vậy, việc tham gia khóa đào tạo SCORE là cần thiết giúp lãnh đạo công ty và các phòng ban thu thập kiến thức, phương pháp mới để về cải tiến những tồn tại của công ty với mục đích làm cho xưởng sản xuất sạch đẹp, ngăn nắp, nâng cao năng suất. Đồng quan điểm trên, ông Văn Trung, kỹ sư công nghệ thuộc Công ty CP Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico), cho biết trong quá trình hoạt động, Arico chủ yếu quan tâm tới sản xuất và chưa quan tâm nhiều đến các yếu tố cải thiện chất lượng dịch vụ. Do đó rất cần những chương trình hỗ trợ, đào tạo, phương pháp nâng cao các kỹ năng lao động, giúp công ty xây dựng phương pháp làm việc tốt, hướng tới sự phát triển bền vững. Riêng trường hợp công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Nam Sơn - một trong những DN đang có nhiều đối tác “khó tính” đến từ Nhật Bản và không ngừng tham gia hoạt động cải tiến hiệu suất sản xuất - bà Lê Thị Ánh Nguyệt, trợ lý kinh doanh công ty, nhận xét tham gia chương trình SCORE sẽ hỗ trợ công ty cải thiện tốt hơn hiệu suất sản xuất. Từ đó, không ngừng gia tăng nội lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa sâu thị trường cho nhiều DN trên thế giới. Không những thế, việc tham gia khóa đào tạo SCORE sẽ giúp người quản lý cũng như người lao động của công ty phát huy hơn nữa những sáng kiến, phương pháp làm việc, tăng cường hợp tác nơi làm việc.
Tăng nội lực cạnh tranh ảnh 2 Công ty TNHH Sản xuất thương mại In Minh Mẫn có môi trường làm việc sạch sẽ, nâng cao năng suất sau khi tham gia chương trình SCORE
Gia tăng nội lực cạnh tranh  Nhìn nhận về thực tế sản xuất của các DN Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, ông Lê Minh Quang, giảng viên chính chương trình SCORE, cho rằng nền tảng nội lực của DN Việt rất tốt. Tuy nhiên, trong công tác quản lý cũng như thói quen sản xuất truyền thống còn phát sinh nhiều bất cập. Phổ biến nhất là vấn đề vệ sinh không đảm bảo, ít quan tâm đến việc cải thiện môi trường làm việc, sức khỏe và thu nhập của người lao động. Đặc biệt là vấn đề sản xuất không theo quy chuẩn, chưa tính đến hiệu quả sản xuất nên sản phẩm dư thừa, tồn kho khá nhiều, gây lãng phí; hàng hóa lỗi nhiều, không giao hàng đúng tiến độ… Do vậy, để có thể trụ vững tại thị trường nội địa, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng và gia nhập thị trường toàn cầu, DN phải thay đổi hoạt động sản xuất theo hướng hiệu quả và cạnh tranh hơn.. Cũng theo các chuyên gia tư vấn cải thiện hiệu suất sản xuất, chương trình SCORE đang triển khai hiện nay đã bám khá sát thực tiễn sản xuất của các DN. Bởi trước khi thực hiện đào tạo, chuyên gia tư vấn chương trình đã có các cuộc khảo sát hiện trạng hoạt động, đánh giá tiềm năng cũng như lỗi các DN đang gặp phải. Dựa trên cơ sở đó, các chuyên gia và DN sẽ cùng phân tích ưu - nhược điểm, từ đó đề xuất giải pháp cải tiến phù hợp. Đặc biệt, các chuyên gia tư vấn sẽ hỗ trợ DN tìm ra những khâu lãng phí để cắt bỏ, thực hành tiết kiệm nhiên liệu, loại bỏ các thao tác thừa, tinh gọn lại quy trình sản xuất, phát huy tối đa ý tưởng, sáng kiến tại nơi làm việc.  Tính đến đầu tháng 11-2017, chương trình SCORE đã hỗ trợ cho gần 150 DN với nhiều kết quả tích cực như: 91% DN tham gia tiết kiệm được chi phí sản xuất, 61% DN áp dụng được phương pháp cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc, giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất, giảm 42% tỷ lệ thôi việc của nhân viên.
Hỗ trợ doanh nghiệp tăng lợi thế xuất khẩu 

Nhóm hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ... là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU). Dự kiến, chính thức từ đầu năm 2018, nhóm ngành hàng trên của doanh nghiệp (DN) nội sẽ được hưởng các mức thuế suất ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN Việt Nam cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ phía EU.

Trong nhóm hàng dệt may, 42,5% số dòng thuế đang có mức thuế suất cơ sở từ 8% - 12% sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm còn lại có mức thuế suất cơ sở tương tự cũng sẽ được xóa bỏ toàn bộ theo lộ trình từ 3 - 7 năm.  Đối với sản phẩm giày dép, khoảng 37% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở từ 3,5% - 17% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm còn lại cũng có thuế suất cơ sở từ 5% - 17% và sẽ được đưa về 0% sau 3 - 7 năm. Ngoài ra, các sản phẩm như nhựa, điện thoại và linh kiện, túi xách, vali, mũ, sản phẩm sắt thép... đều được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Theo các chuyên gia đến từ dự án EU - Mutrap, để hưởng ưu đãi, DN Việt Nam cần đảm bảo quy tắc xuất xứ theo quy định của hiệp định. Hiện Việt Nam và EU đã xây dựng quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng (PSR) mã HS 8 số theo các tiêu chí giới hạn tỷ lệ nguyên vật liệu không rỏ xuất xứ trong quá trình sản xuất, chế biến... Vì vậy, DN cần nắm vững quy tắc xuất xứ áp dụng cho từng sản phẩm cụ thể khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu để hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó, trong EVFTA, 2 bên thỏa thuận cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam hiện tại chưa áp dụng cơ chế này, mới chỉ triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sang ASEAN. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Việt Nam sẽ triển khai cơ chế này khi xuất khẩu sang EU vào thời điểm thích hợp. Vì vậy, các DN cần kinh doanh trung thực, kê khai chính xác xuất xứ hàng hóa theo quy định của hiệp định đối với từng loại sản phẩm để có thể được đưa vào danh sách tự chứng nhận xuất xứ.

Không dừng lại đó, cùng với thị trường EU, thị trường các nước trong khu vực ASEAN cũng được đánh giá rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được các nước trong khu vực ký kết, trong đó Việt Nam là thành viên. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ DN củng cố thị phần tại thị trường châu Âu, ngày 28-12, Sở Công thương TPHCM tổ chức hội thảo “Nâng cao vị thế xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường xuất khẩu nói chung và ASEAN nói riêng, thông qua tận dụng quy tắc xuất xứ ưu đãi”. Theo đó, các cơ quan chức năng hỗ trợ DN có hàng hóa xuất khẩu nắm bắt chuyên sâu, cập nhật thông tin và tận dụng ưu đãi từ ATIGA, đặc biệt cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đã được điều chỉnh tiêu chí tại Thông tư số 27/2017/TT-BCT ngày 6-12-2017 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BCT. DN đăng ký tham gia miễn phí hoặc thông tin những vấn đề cần được giải đáp về Sở Công thương TPHCM (163 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM).
MINH ANH

Tin cùng chuyên mục