Tăng nhận diện sản phẩm sạch cho người tiêu dùng

Tính đến 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TPHCM, các cơ quan chức năng đã kiểm tra tình hình sản xuất của hơn 30.000 cơ sở, tổ chức, cá nhân. Trong đó, phát hiện gần 6.500 trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chiếm tỷ lệ 21,12%.

Cá biệt, có những trường hợp vi phạm với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Điều này cho thấy, vấn đề ATVSTP vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Tăng nhận diện sản phẩm sạch cho người tiêu dùng ảnh 1 Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATVSTP TPHCM, trao chứng nhận 
“Chuỗi thực phẩm an toàn” cho hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tại TPHCM
 Vi phạm nhiều

Báo cáo từ các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình sản xuất đã chỉ rõ, tổng số tang vật phát hiện và bị xử lý do không đảm bảo quy định về ATVSTP lên đến 30.280kg sản phẩm động vật; 470kg nguyên liệu phụ gia không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc; 2.104 thùng và 17.001 sản phẩm, thực phẩm chức năng; 214.320 viên thành phẩm và bán thành phẩm thực phẩm chức năng; 15.241kg và 64.391 hộp/chai sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
 
Đặc biệt, trong đợt cao điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm (như Tết Nguyên đán 2018, Tết Trung thu), Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và tiêu hủy nhiều sản phẩm, thực phẩm chức năng sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép; hoặc sử dụng các loại nguyên liệu, dụng cụ, bao gói không đảm bảo an toàn. Điển hình như phát hiện và buộc tiêu hủy 2.275kg lòng heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ của cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật tại quận 12; ngăn chặn và xử lý kịp thời sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc chứa trong 2 container đông lạnh, với tổng khối lượng gần 27.000kg của cơ sở sản xuất chả lụa giò thủ tại huyện Hóc Môn. Hiện các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 3 vụ về sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, gồm 819kg sản phẩm rau câu các loại đã hết hạn sử dụng, 12,15kg hương liệu, nguyên liệu sản xuất và 300g chất bảo quản bánh trung thu không có nhãn mác, hạn sử dụng. 

Điều đáng nói, việc sai phạm ATVSTP không dừng lại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ mà còn xuất hiện các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Hotel Students, Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Song Hiếu, Doanh nghiệp tư nhân Sơ chế nông sản xuất khẩu Chí Cường, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Meat Farm… Trong đó, Công ty TNHH Hotel Students đã bị phạt hành chính hơn 100 triệu đồng, buộc ngưng hoạt động và tiêu hủy 404kg nguyên liệu, 670kg sản phẩm không nhãn mác, 808kg nguyên liệu bán thành phẩm chưa ép vỉ; hơn 214.000 viên đã được ép vỉ và 13 loại sản phẩm được chứa trong hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm không đảm bảo an toàn. Hay như trường hợp Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Quyên Lara Việt Nam, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phải thông báo đến 24 quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu hồi sản phẩm thảo dược giảm cân, tan mỡ…

Công khai doanh nghiệp cung ứng sản phẩm sạch


Lý giải thực tế này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thực phẩm bẩn vẫn đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Nguyên nhân một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng của người dân. Tình trạng người tiêu dùng thiếu quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, các điều kiện bảo quản cần thiết để thực phẩm an toàn… vẫn diễn ra rất phổ biến ở bộ phận rất đông người dân. Dễ nhận thấy nhất là chợ tự phát hình thành rất phổ biến trên địa bàn thành phố. Những trang mạng xã hội bán đủ loại sản phẩm được hình thành nhanh chóng mà chất lượng như thế nào thì rất khó kiểm định. 

Đại diện Công ty gạo Trung An cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM đang hình thành hàng ngàn cửa hàng bán thực phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, có bao nhiêu trong số cửa hàng “tự xưng” đó được chứng nhận là sản phẩm sạch, an toàn của các tổ chức uy tín. Hơn nữa, trong số cửa hàng được chứng nhận đó có bao nhiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn? Chi tiết hơn là sản phẩm sạch, an toàn ở ngưỡng tiêu chuẩn nào: VietGAP, GlobalGAP hay Organic…? Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, dù kênh phân phối hiện đại bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, nhưng cũng chỉ chiếm 25% thị phần bán lẻ. 75% thị phần bán lẻ còn lại là kênh bán hàng truyền thống, chủ yếu tập trung ở các chợ và thương mại điện tử.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhấn mạnh, hiện vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh do khu vực sản xuất, chế biến xuống cấp. Chủ cơ sở chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm, dẫn đến vi phạm về điều kiện khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến phường, xã còn gặp nhiều hạn chế; nhân sự quản lý không có chuyên môn (thường là kiêm nhiệm) nên còn biểu hiện ngại trong việc xử lý vi phạm. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đăng ký hoạt động tại TPHCM nhưng nhà máy sản xuất đặt tại các tỉnh, thành khác nên gây khó trong công tác thanh tra - kiểm tra theo quy định...

Để đảm bảo chất lượng nguồn cung ứng thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết đơn vị đã chủ động triển khai kế hoạch kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành. Mục tiêu kết nối 2 chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện sở đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước để cung cấp cho thị trường TPHCM, ưu tiên phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Kỷ Hợi 2019, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường. Song song đó, tiếp tục tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, truy xuất được nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Kế đến, TPHCM sẽ thông qua hệ thống phân phối, bán lẻ, tiến hành thu mua, đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào thị trường tiêu thụ của thành phố. Ngược lại, đưa hàng hóa chế biến vốn là thế mạnh của doanh nghiệp TPHCM vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành.
Trong phần kết nối cung - cầu, hình thành các chuỗi cung ứng, sở công thương các tỉnh, thành sẽ rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp uy tín để cung cấp và đăng trên trang thông tin điện tử www.ketnoicungcau.vn. Về phía Sở Công thương TPHCM cũng tập hợp và cung cấp danh sách các sản phẩm, doanh nghiệp uy tín để đôn đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố tìm hiểu thông tin, lựa chọn nhà cung ứng tiềm năng. Đến nay đã có 155 doanh nghiệp của 7 tỉnh, thành trên cả nước đăng ký tham gia kết nối chuỗi cung ứng này. Sở công thương các tỉnh, thành đang tổ chức các hoạt động quảng bá, thu hút thương nhân chợ đầu mối, chợ truyền thống và người tiêu dùng tìm hiểu hàng hóa của các doanh nghiệp uy tín.

Tin cùng chuyên mục