Đó là công nghệ mới kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt với phân bón hòa tan trong nước để vừa tưới vừa bón phân cho cây.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm đến 40% lượng nước tiêu thụ toàn thế giới. Hiệu quả sử dụng phân bón chỉ khoảng 50% do phân bón bị bay hơi hoặc rửa trôi thay vì được cây hấp thụ.
Đây cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn do một lượng lớn phân đạm trong phương thức canh tác truyền thống bị bay hơi tạo thành khí nhà kính. Các nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, nông nghiệp tạo ra 43% lượng khí nhà kính. Lượng khí nhà kính từ 1ha lúa tương đương với 2,5 xe hơi.
Để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng năng suất trong nuôi trồng, các nước đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Tại đất nước không được thiên nhiên ưu đãi như Israel, công nghệ tưới nhỏ giọt đã được nghiên cứu từ năm 1965, hiện nay được sử dụng rộng rãi.
Tại Việt Nam, công nghệ tưới nhỏ giọt từ Công ty Netafim, được cung cấp bởi Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh, đã được sử dụng thành công tại vùng dừa Bến Tre, nho Bình Thuận.
Theo ông Vũ Kiên Trung, đại diện công ty này, kết quả ứng dụng công nghệ của Isrel cho thấy năng suất tăng từ 25% - 200% tùy loại cây và khu vực. Việc giữ độ ẩm ổn định cũng giúp bộ rễ của cây phát triển tốt nhờ đó tỷ lệ hấp thụ phân bón đạt đến 90% và hạn chế đáng kể lượng nước tưới, phân bón sử dụng. Thời gian hoàn vốn trung bình từ 1,5 - 2 năm.
Tính năng đặc biệt của hệ thống này là có các cảm biến trong hệ thống ghi nhận hàng loạt thông số như độ ẩm của đất, độ PH, ánh sáng… và chuyển về trung tâm xử lý. Tại trung tâm xử lý có cơ sở dữ liệu về các loại cây trồng và yêu cầu nước, dinh dưỡng cho từng loại.
Những dữ liệu này kết hợp với những thông số mà các cảm biến gửi về để đưa ra lựa chọn tự động tưới và bón phân cho cây. Hệ thống cũng được kết hợp với công nghệ điều áp để đảm bảo lượng nước và dinh dưỡng được cung cấp đều trong các địa hình khác nhau, kể cả chênh lệch độ cao tới 35m.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, cho rằng biện pháp tưới nhỏ giọt có thể giải quyết một phần vấn đề về môi trường sống cho cây, đặc biệt là môi trường nước bị nhiễm mặn như ở ĐBSCL.
“Ở các khu vực nguồn nước bị nhiễm mặn, dù tưới hay không cây vẫn sẽ chết. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với phân bón hòa tan giúp cây trồng hạn chế lượng muối hấp thu mà vẫn có đủ nước, dinh dưỡng. Nhờ đó, cây sống, phát triển được qua mùa khô để đợi nguồn nước ngọt trong mùa mưa”, TS Nghĩa giải thích.