Phương án được công bố có các nội dung chính là để khối tư nhân đóng vai trò chủ đạo; chính phủ hỗ trợ trong việc xây dựng hệ sinh thái hợp tác siêu trí tuệ nhân tạo; nâng cao các loại hình dịch vụ ứng dụng AI ở lĩnh vực y tế, pháp lý, tư vấn; bồi dưỡng 10.000 doanh nghiệp phần mềm dạng dịch vụ (SaaS - Software as a Service), trọng tâm cho hệ sinh thái AI cho tới năm 2026…
Trước tiên, để tăng cường năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp AI, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng các hạ tầng quan trọng với các trụ cột là dữ liệu, phần mềm và tài nguyên điện toán. Chính phủ nước này cũng sẽ phát triển các dịch vụ AI ứng dụng ở những lĩnh vực như giáo dục tiếng Hàn cho người nước ngoài, đề xuất tài liệu tham khảo, thống kê khi nghiên cứu học thuật, hỗ trợ điền các loại giấy tờ khám chữa bệnh, pháp lý thông qua 5 dự án AI hàng đầu sẽ bắt đầu thực hiện từ năm sau. Tiếp đó, sẽ xây dựng bản sao số (Digital twins) kết nối 4 lĩnh vực trọng điểm là giao thông, an toàn, năng lượng và đô thị, đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái kinh tế dữ liệu giúp thu thập, quản lý chất lượng, sử dụng và tái tạo dữ liệu chất lượng cao - điểm cốt lõi trong phát triển của ngành công nghiệp AI. Sau đó, sẽ dần mở rộng sang toàn bộ các lĩnh vực như y tế, môi trường.
Hàn Quốc sẽ mở cửa công khai những dữ liệu quan trọng mà người dân mong muốn, như thông tin đăng ký xe, số đăng ký kinh doanh, những dữ liệu mà người dân và doanh nghiệp có nhu cầu cao nhưng vẫn chưa được công khai thời gian qua. Bên cạnh đó, chính phủ nước này sẽ xúc tiến nghiên cứu nền tảng AI theo hướng tăng cường độ tin cậy và năng lực học tập, khắc phục được hạn chế của siêu AI tạo sinh hiện nay như không phản ánh được những thông tin mới nhất và thường đưa ra những câu trả lời sai. Để tăng cường số lượng cũng như năng lực của nhân lực chuyên môn về AI, cho tới năm 2027, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng chương trình đào tạo chính quy về AI bậc thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng 65.000 nhân tài, hướng dẫn về cách ứng dụng siêu trí tuệ nhân tạo cho 1 triệu người dân…
Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc (KOSA) và các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của nước này đã thành lập hội đồng tư vấn cho sự phát triển của ngành công nghiệp và công nghệ AI quy mô lớn trong tương lai. Hội đồng xúc tiến tư vấn AI đã bổ nhiệm 2 thành viên đồng chủ tịch, là các thành viên thuộc Viện nghiên cứu Naver Cloud và Viện nghiên cứu AI của Tập đoàn LG. Ngoài 2 viện nghiên cứu trên, các thành viên của hội đồng còn bao gồm đại diện từ SK Telecom, KT, LG Uplus, Samsung SDS, LG CNS, SK C&C, NHN Diequest, Ssangyong Information & Communications... Đây đều là những doanh nghiệp kinh doanh AI hoặc công nghệ đám mây.
Đại diện KOSA cho biết, việc thành lập cơ quan tư vấn đáp ứng nhu cầu thực tế về phát triển của ngành và cũng như cần có cơ quan điều phối để xúc tiến hợp tác và phối hợp chiến lược giữa các công ty AI đang cạnh tranh trên thị trường nội địa. Hội đồng tư vấn đóng vai trò trung tâm tạo ra các dịch vụ ứng dụng khác nhau bằng cách sử dụng hệ thống AI siêu khổng lồ thông qua sự hợp tác giữa các công ty.