Tăng mức phạt, tăng trách nhiệm và đạo đức công vụ

Từ ngày 1-1-2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định số 100/2020/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 100, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/NĐ-CP) sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Khi Nghị định 168 có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Trong đó, có những hành vi có mức xử phạt tăng lên hàng chục lần. Điển hình, mức phạt đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông tăng từ 400.000-600.000 đồng (Nghị định 100) lên 20-22 triệu đồng (Nghị định 168), cao gấp 12 lần mức lương cơ sở.

Lý giải về việc tăng mức xử phạt, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện nay tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân. Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông là những lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua, như: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; Chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm; Lùi xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc; Chạy lạng lách, đánh võng; Rải vật sắc nhọn…

Bên cạnh đó, hiện nay, rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hoạt động tội phạm, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, trốn tránh phạt “nguội” của hệ thống giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vẫn theo Cục Cảnh sát giao thông, kinh nghiệm của việc thực hiện Nghị định 100 đối với việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đến nay bước đầu đã tạo được thói quen “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” của người dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 11 tháng của năm 2024, toàn quốc xảy ra 21.691 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 10.026 người, bị thương 16.103 người. So với 11 tháng năm 2023, tai nạn giao thông tăng 1.163 vụ (5,67%), giảm 859 người tử vong (7,89%), tăng 1.906 người bị thương (13,43%). Như vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không phải tăng mức xử phạt.

Ngoài việc tăng mức xử phạt, cần phải cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, tích cực tuyên truyền nhận thức của người dân; cải thiện chất lượng đào tạo, cấp bằng lái xe, nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế; phát triển hệ thống giao thông công cộng. Các giải pháp này phải được triển khai đồng bộ và hài hòa với nhau để tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, qua đó người dân hiểu được những nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là những nguy cơ mất an toàn ở mức cao, nguy cơ gây tai nạn rất nặng.

Bên cạnh đó, mức phạt cao cũng có khả năng tạo ra kẽ hở trong việc nảy sinh tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm, do vậy, việc nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông là hết sức cần thiết. Tăng cường giám sát, xử phạt qua hình ảnh để tăng hiệu quả xác minh và xử lý vi phạm, không chỉ trông chờ vào xử phạt trực tiếp. Đây là cách vừa khuyến khích người dân tham gia giám sát trật tự an toàn giao thông, vừa giảm bớt áp lực cho lực lượng thực thi công vụ, đồng thời bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài việc phạt không sót, còn phải phạt nghiêm mới chấm dứt suy nghĩ “mặc cả” chế tài khi vi phạm giao thông. Để làm được điều này, cần có cơ chế giám sát bên trong và bên ngoài đối với công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đó cũng là cách để minh bạch thông tin, giữ gìn uy tín, hình ảnh của lực lượng chấp pháp.

Nghị định 168 là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để nghị định thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật lệ giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục