Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng, Bộ Nội vụ cho rằng còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Theo đó, mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng mới đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (3.340.000 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 9-11, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%), thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2019.
Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Kinh phí để thực hiện, dự thảo nêu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2019 của các cơ quan, đơn vị; sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao; sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính.