Tăng lương tối thiểu vùng: Thấu hiểu và sẻ chia

Sau 2 phiên họp thương lượng về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2024 là 6%, trình Chính phủ áp dụng từ ngày 1-7-2024.

Theo lý giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất mức tăng ở phiên thứ 2 cao hơn rất nhiều so với phiên thứ nhất (5%-6%) vì: Thời điểm tăng lương tối thiểu theo quy định phải là từ ngày 1-1 hàng năm, nhưng thời điểm tăng đến ngày 1-7 thì mức tăng cần phải nâng lên mới bắt kịp được tốc độ trượt giá sau 7 tháng nữa.

Lần gần nhất mà lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là ngày 1-7-2022. Nếu đến ngày 1-7-2024 mới áp dụng mức tăng mới, thì tiền lương tối thiểu phải qua 2 năm mới được điều chỉnh một lần. Trước đó, vào thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, lương tối thiểu cũng đã qua 2,5 năm liền mới được điều chỉnh (từ đầu năm 2020 đến ngày 1-7-2022).

Không chỉ bị trì hoãn, giãn cách biên độ, những năm gần đây mức tăng tiền lương tối thiểu còn có xu hướng ngày càng “đuối” hơn. Ví dụ, nếu mức tăng của các năm như 2014, 2015, 2016 lên tới lần lượt là 15,2% rồi 14,2% rồi 12,4%… thì những lần tăng gần đây thường chỉ dao động ở mức 5%-6%.

Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó khăn có thể kéo dài, do đó các doanh nghiệp cần được “khoan sức” để có điều kiện phục hồi, tái sản xuất. Chắc chắn người lao động cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặc dù vậy, qua 2 năm ròng không được điều chỉnh thì việc tăng lương tối thiểu cho người lao động vào năm 2024 là không thể trì hoãn. Cho nên, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng 6% ngay sau 2 phiên tổ chức thương lượng để đi đến thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là khá hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, do thời điểm tăng lương tối thiểu vùng có độ trễ quá lâu và mức tăng cũng không bắt nhịp kịp mức tăng giá cả, nên để việc tăng lương không tạo thêm áp lực cho người lao động, điều quan trọng là từ nay đến ngày 1-7-2024 (cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực nhà nước), Chính phủ cần phải sử dụng đồng loạt giải pháp để kiểm soát được tình trạng trượt giá (nhất là với mặt hàng thiết yếu, nguyên nhiên liệu), ngăn chặn các mặt hàng, dịch vụ tăng giá không hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; xóa bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.

Bởi nếu giá cả, chi phí đầu vào mà “té nước theo mưa” thì không chỉ người lao động mà chính doanh nghiệp cũng lao đao, khó càng thêm khó. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần điều tiết nhịp nhàng các chính sách kinh tế để giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi sản xuất, khai mở thị trường, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục