Tăng lương khu vực công phải tiệm cận khu vực quan hệ lao động

Từ những ngày đầu tháng 7, nhiều người thuộc diện thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội đã rất phấn khởi vì nhận được mức lương hưu và trợ cấp mới. Đồng thời, từ tháng 7, mức lương trong khu vực hành chính công và khu vực doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng theo quy định.

Đây là thành quả của cả quá trình nghiên cứu và chuẩn bị nguồn tài chính của Chính phủ. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện được 4/6 nội dung cải cách tiền lương tại khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Từ ngày 1-7, tiền lương của khu vực công tăng 30%, đồng thời tăng 15% với người hưởng lương hưu, tăng 35,7% với người có công và tăng 38,9% với đối tượng bảo trợ xã hội, tổng nguồn kinh phí lên đến hơn 900.000 tỷ đồng. Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương để góp phần cải thiện đời sống của người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng các chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Đối với khu vực có quan hệ lao động (khu vực sản xuất), từ ngày 1-7 cũng được tăng 6% mức lương tối thiểu của 4 vùng. Về nguồn lực để điều chỉnh lương cơ sở, hiện nay đã tích lũy được hơn 680.000 tỷ đồng. Số còn lại tiếp tục được huy động từ các nguồn cả trung ương và địa phương, chắc chắn Chính phủ sẽ bảo đảm nguồn lực. Nhưng nguyên tắc của điều chỉnh tiền lương là tốc độ tăng lương bình quân phải chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Do đó, không thể có chuyện “vay để ăn”, đi vay tiền để cải cách tiền lương.

Điều quan trọng nhất là Chính phủ phải có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, bảo đảm sức mua của đồng tiền khi tăng lương. Vấn đề mà nhiều người quan tâm là điều chỉnh lương cơ sở thì khu vực công lập cần phải làm như thế nào để viên chức và người lao động cũng được cải thiện tiền lương, tăng thu nhập. Điều đó chỉ có thể thực hiện được dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm mọi người đều được tăng lương.

Cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, cấp thiết để bảo đảm an sinh xã hội, nhưng phải theo nguyên tắc tiền lương ở khu vực công tiệm cận với khu vực có quan hệ lao động, và tiền lương phải bảo đảm giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường.

BÙI SỸ LỢI

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Tin cùng chuyên mục