Tăng lương kèm giải pháp bình ổn giá

Việc tăng lương nhận được sự đồng tình nhưng như các Đại biểu Quốc hội phân tích vẫn chưa thể thực hiện cải cách tiền lương và e ngại tình trạng thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”.

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Cải cách tiền lương phù hợp với khả năng của ngân sách

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).jpg

Chúng ta chưa thể thực hiện cải cách tiền lương bởi thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập. Nếu đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,25% là thấp so với viên chức tăng bình quân 54,3% và của lực lượng vũ trang tăng 43,96%.

Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến. Mức lương thấp nhất của nhân viên bậc 1, trung cấp, tập sự trong bảng lương tập sự là thấp so với mức tăng lương, mức bình quân của công chức, dễ gây tâm tư không ổn định khi chúng ta cải cách tiền lương.

Mặt khác, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ với phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ rất khó khăn.

Nguyên nhân là nhiều bậc lương cũ như ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, viên chức khác nhau lại được xếp vào một mức lương chức vụ mới, dẫn đến có nhiều trường hợp từ cấp vụ, cấp sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới sẽ thấp hơn so với mức lương hiện hưởng. Ngoài ra, tính lương theo vị trí việc làm còn phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.

Bên cạnh đó còn phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau ngày 1-7-2024 và bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, chỉ còn lại lực lượng vũ trang. Việc phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới dẫn đến tâm tư không còn phụ cấp nữa và nghề thâm niên như công chức, viên chức của tòa án, viện kiểm sát, thanh tra thi hành án, kiểm toán... Có nhiều trường hợp phụ cấp rất cao nhưng khi xếp lương mới sẽ bị giảm rất nhiều, nhất là ở vùng cao, khó khăn, phụ cấp ưu đãi. Đây là những vấn đề rất khó và phức tạp.

Đó là chưa kể, mặc dù hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức và chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa tương đồng với nhau. Mặt khác, cấp thẩm quyền chưa thông qua danh mục vị trí việc làm, cho nên chưa đủ điều kiện để có thể thông qua lương mới.

Do đó, tôi thống nhất cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Chính phủ cần chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động.

Đại biểu Quốc hội DƯƠNG MINH ÁNH (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội:

Quan tâm đến nguồn tăng lương ở các đơn vị tự chủ

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội).jpg

Về nguồn kinh phí khi triển khai thực hiện điều chỉnh tăng lương, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục và y tế đang thực hiện tự chủ gặp khó khăn, thậm chí không đảm bảo được nguồn để tăng lương cho cán bộ, viên chức tới đây. Do đó, Chính phủ cần sớm chỉ đạo hướng dẫn để các đơn vị tự chủ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu không đảm bảo được nguồn để chi tăng lương cho các cán bộ, viên chức sẽ được bố trí bù lấp vào nguồn và nguồn đó là từ đâu.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành bổ sung danh mục vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện danh mục này.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Nên tăng lương theo tăng GDP

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).jpg

Chúng ta đã cải cách tiền lương 4 lần, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh nền kinh tế năm 2003, lúc đó GDP của chúng ta khoảng 45 tỷ USD và hiện nay là hơn 450 tỷ USD, tức là tăng lên khoảng 10 lần. Như vậy việc cải cách tiền lương là rất cần thiết.

Tích trữ được 913.000 tỷ đồng để tăng lương đợt này là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế như thế này nhưng nên tăng lương theo tăng GDP. Bởi việc cán bộ, công chức thực thi công vụ ở một nền kinh tế 45 tỷ USD với 450 tỷ USD là rất khác nhau. Nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức; không khuyến khích được những người làm ở khu vực công. Đề nghị Chính phủ nên xem xét, lâu dài phải làm như thế mới căn cơ, Chính phủ cũng không còn phải vất vả huy động những nguồn ngân sách để dự trữ cho tăng lương.

Đại biểu Quốc hội TẠ VĂN HẠ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Tăng lương phải đi liền với đẩy mạnh tinh giản bộ máy, biên chế

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam).jpg

Bên cạnh tăng lương vẫn tiếp tục phải đẩy mạnh hơn nữa tinh giản bộ máy, biên chế. Mặt khác, tăng lương, giá tiếp tục tăng nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Nếu không quan tâm các giải pháp đồng bộ thì tăng lương không kịp tăng giá.

Mặt khác, phải quan tâm đến vấn đề khi lương tăng thì giảm trừ gia cảnh nộp thuế thu nhập cá nhân cũng cần phải nghiên cứu. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Tăng 30% lương thì ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50%.

Tin cùng chuyên mục