Đây là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) có tên là “Xây dựng các đường sách, không gian sách và phát triển văn hóa đọc” bên cạnh chương trình “Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở” của Sở TT-TT.
Điều này có nghĩa, sang năm 2025, ngoài Đường sách TPHCM và Đường sách TP Thủ Đức, TPHCM có thêm 3 đường sách và không gian sách.
Đó là: Không gian sách huyện Củ Chi (tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi, số 1 tỉnh lộ 8, khu phố 1, thị trấn Củ Chi) dự kiến hoạt động từ tháng 3-2025. Trong khi đó, Đường sách Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, quận 7) và Không gian sách quận Bình Tân (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) dự kiến cùng hoạt động tháng 4-2025.
Như vậy, từ năm 2025, hệ thống đường sách, không gian sách sẽ được “phủ sóng” theo 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc, nâng tổng số đường sách, không gian sách tại TPHCM là 5 mô hình. Đây quả thực là một con số không nhỏ nếu so với nhiều địa phương khác. Điều này phần nào cho thấy nhu cầu của xã hội, hơn hết là sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo TPHCM trong việc phát triển văn hóa đọc.
Những năm qua, văn hóa đọc của TPHCM không chỉ dừng lại ở những lời hô hào phong trào, mà đã và đang có nhiều hoạt động thực chất, thiết thực, trong đó, sự ra đời của các đường sách, không gian sách là minh chứng.
Đường sách TPHCM còn là nơi góp phần đáng kể vào doanh thu của ngành xuất bản. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu nơi đây đạt gần 29 tỷ đồng, với 146 chương trình sự kiện và 7 sân chơi tương tác định kỳ. Bên cạnh các hoạt động phục vụ nhiệm vụ văn hóa chính trị của thành phố, đường sách vẫn là nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với tác giả, giới thiệu tác phẩm mới với tần suất cao.
“Nối gót” Đường sách TPHCM, trong 5 năm qua, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã thiết lập mô hình đường sách như: Đường sách Hai Bà Trưng (TP Huế), Phố sách Hà Nội (Hà Nội), Đường sách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đường sách TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tuy nhiên, không phải mô hình đường sách nào cũng thành công, thậm chí, có những đường sách đã dừng hoạt động. Như Đường sách Vũng Tàu, dừng hoạt động sau 5 năm thí điểm, trong khi chỉ sau 1 năm ra đời, Đường sách Hai Bà Trưng cũng chung số phận. Các đường sách còn lại đa phần chật vật duy trì, chưa biết trụ được bao lâu.
Phải nhìn nhận một thực tế, Đường sách TPHCM thành công do mô hình này hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà hiếm nơi nào có được. Đó là chính quyền địa phương sẵn sàng tạo điều kiện, xây dựng chính sách để đường sách ra đời và duy trì hoạt động; Có những đối tượng đam mê và tâm huyết, thậm chí dành trọn đời cho đường sách; Người dân địa phương sẵn sàng đến đường sách, đọc sách.
Đó là những vấn đề quan trọng không thể không cân nhắc trước khi quyết định hình thành một đường sách nào đó. Trên thực tế, dù vẫn nhận được sự quan tâm của chính quyền TP Thủ Đức, dù nhân sự quản lý vận hành vẫn là đội ngũ từ Công ty Đường sách TPHCM nhưng sau gần 1 năm khai trương, Đường sách TP Thủ Đức vẫn chưa thể nói là thành công, phải nỗ lực rất nhiều.
Tăng số lượng đường sách nhưng đừng quên chất lượng. Bởi đọc sách là việc của cả đời, không phải ngày một ngày hai. Khi mọi thứ chưa sẵn sàng, chúng ta không cần chạy theo phong trào, tránh tình trạng "bỏ thì thương vương thì tội" như một số đường sách đã và đang gặp phải.