Tăng lương vừa đủ… trả học phí cho con
Chị Hạnh, làm việc tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội, dở khóc dở cười chia sẻ: “Vừa được tăng lương lên 7 triệu đồng thì cũng là lúc nhận được thông báo của trường mẫu giáo nơi con theo học tăng học phí từ 5,8 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng/tháng. Mức học phí này mới chỉ là phân khúc trung bình, phổ biến”.
Chị Đào Minh Trang, công tác ở một đơn vị sự nghiệp công lập tại TPHCM, cũng cho biết, được tăng lương nên từ nay chị sẽ được đóng thuế TNCN. Với hệ số lương 4.68, cộng với các loại phụ cấp, mỗi tháng chị có tổng thu nhập gần 15 triệu đồng. Chị có 1 người phụ thuộc nên được giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/ tháng. Do vậy, chị không thuộc diện đóng thuế TNCN. Nay lương tăng, mức thu nhập của chị tăng lên 16-17 triệu đồng/tháng nên phải đóng thuế TNCN bậc 1.
“Số tiền đóng thuế có lẽ không quá nhiều, chỉ 5% so với số tiền vượt 15,4 triệu đồng/tháng. Nhưng nó cũng là một gánh nặng tăng thêm khi mình đang phải chắt bóp chi tiêu. Từ đầu tháng, trường học của con cũng thông báo tăng học phí thêm 500.000 đồng/tháng theo lộ trình. Mỗi thứ tăng một chút là vừa đủ tiêu hết số tiền lương được tăng”, chị Trang cho hay.
Theo chị Trang, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ đóng tiền học phí mẫu giáo cho con; còn lại khoảng 11 triệu đồng để chi tiêu cho gia đình cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu. Những nhu cầu quan trọng khác như học tập nâng cao trình độ, đầu tư, mua sắm... hầu như chưa được tính tới.
Trong khi đó, quy định tăng lương từ 1-7, nhưng do chờ hướng dẫn nên nhiều cơ quan, đơn vị thông báo đến tháng 8 mới nhận mức lương mới và truy lãnh lương tháng 7. Ghi nhận thực tế, lương mới còn chưa nhận, song giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu đã bắt đầu nhích nhẹ. Từ thịt cá, rau củ… đều tăng lên, tác động đến bữa ăn của từng gia đình. Lần tăng lương này, các đối tượng thụ hưởng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lãnh lương hưu. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ không chỉ ảnh hưởng đến riêng nhóm đối tượng này, mà còn ảnh hưởng chung đến bài toán tài chính của từng gia đình, cá nhân.
Điều chỉnh hợp lý để đảm bảo đời sống
Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, phần tiền lương tăng thêm này cũng sẽ khiến số tiền phải đóng thuế TNCN tăng cao hơn, vô hình trung làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương - đó là nâng cao chất lượng đời sống người dân. Nhiều ý kiến tâm huyết từ chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Việc duy trì quá lâu mức giảm trừ như hiện nay khiến đời sống của người nộp thuế khó lòng nâng cao. Vì vậy, nhiều ý kiến đã đề nghị sớm sửa Luật Thuế TNCN.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề xuất Chính phủ trình sửa luật vào kỳ họp cuối năm nay để thông qua vào kỳ họp tháng 5-2025. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dự kiến Luật Thuế TNCN sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào kỳ họp tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình cho ý kiến trong năm nay để thông qua trong năm 2025 thì Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một đạo luật ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đã được chỉ ra nhiều hạn chế, lạc hậu, gây nên gánh nặng cho người nộp thuế, thì việc chờ thêm 2 năm nữa mới sửa luật là điều vô lý. Do vậy, cần sớm đưa việc sửa Luật Thuế TNCN vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, sớm trình dự thảo để Quốc hội thông qua sớm kỳ nào hay kỳ đó!
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, có nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét đóng thuế TNCN theo vùng miền. Hiện nước ta có 6 vùng với mức thu nhập, mức chi tiêu khác nhau, giá cả tiêu dùng khác nhau. Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn hiện khoảng 1,34 lần. Do đó, việc điều chỉnh ngưỡng chịu thuế TNCN cần có nghiên cứu, thống kê đầy đủ từ cơ quan quản lý. Song, ở các vùng như Hà Nội hay TPHCM thì ngưỡng chịu thuế TNCN có thể nâng lên 16-18 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh 6-8 triệu đồng/người/tháng thì mới có thể đảm bảo cuộc sống.