Đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng
Thời gian qua, do tâm lý lo ngại dịch bệnh lây lan, một số người dân tại các tỉnh thành Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM… đã mua và tích trữ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Điều này đã kéo theo lượng hàng bán ra tại một số chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị tăng đột biến, có nơi tăng gấp 3 đến 5 lần so với ngày thường. Trước tình hình trên, ngành công thương các tỉnh thành khu vực này đã chỉ đạo quyết liệt tới các DN sản xuất, phân phối bán lẻ tăng công suất sản xuất, nguồn hàng dự trữ để phục vụ người tiêu dùng; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá.
Tại Đồng Nai, các DN sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh này cam kết đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ dồi dào, đầy đủ nhu cầu cho người dân. Còn ở Bình Dương, Sở Công thương tỉnh đã chủ động yêu cầu 12 DN (trong đó có 10 siêu thị) và 106 chợ truyền thống ở các huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19. Tổng giá trị hàng hóa dự kiến gần 4.170 tỷ đồng, tập trung vào lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả)…
Với TPHCM, hiện tại, DN sản xuất hàng thiết yếu như mì, nui, thực phẩm chế biến đều tăng cường sản xuất lên gấp 3 - 4 lần; DN bán lẻ cũng tăng dự trữ tương đương thời điểm tết vừa qua, nên hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, giá cả không biến động. Tuy nhiên, để cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương thành phố đã xây dựng 3 tình huống với những kịch bản cụ thể. Ở kịch bản thứ nhất, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có dưới 100 trường hợp nhiễm mới trên địa bàn thành phố, DN bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% so với ngày thường; các hệ thống phân phối sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100%.
Ở kịch bản thứ 2, giả định có dưới 300 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố: Sở Công thương tiếp tục những giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1. Các DN bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so bình thường. Đối với hệ thống phân phối hiện đại, có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng. Xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực thực hiện cách ly.
Với kịch bản thứ 3 là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng: Sở Công thương tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong 2 tình huống trên. Ngoài ra, triển khai ngay các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội; hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Tương tự, các tỉnh khác là Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên phương án chủ động hàng hóa thiết yếu, làm việc chặt chẽ với DN, nhà phân phối để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, không xảy ra gián đoạn.
Tăng kiểm tra, giám sát giá cả
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ sau tết tới nay, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều có mức giá ổn định; chỉ riêng khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn là khan hiếm cục bộ, do sức mua tăng mạnh. Để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ đã liên tục kiểm tra các điểm bán, cơ sở kinh doanh, cũng như kịp thời phát hiện việc buôn bán khẩu trang trái phép. Đơn cử ở Đồng Nai, mới đây, khi có hiện tượng người dân mua hàng dự trữ tăng cao , Sở Công thương tỉnh đã làm việc với các nhà phân phối bán lẻ lớn trên địa bàn để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Tại buổi làm việc, đại diện các nhà bán lẻ như Co.opmart Biên Hòa, BigC Đồng Nai, Bách Hóa Xanh... đều cam kết đồng hành cùng khách hàng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không tăng giá hàng hóa. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, tăng giá; hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trên thị trường.
Trong khi đó ở TPHCM, để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ gây biến động về giá, UBND TP đã đề nghị UBND quận huyện tổ chức lực lượng trực ban, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Từ đó, kịp thời phản ảnh, thông tin và phối hợp xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến trong giai đoạn phòng chống dịch.
Theo giới kinh doanh, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương cùng sự chung tay đồng lòng của DN, thị trường hàng hóa sẽ không có biến động nhiều và người dân có thể yên tâm, không nên tích trữ nhiều hàng hóa.
Các ngành chức năng khu vực Đông Nam bộ khẳng định, để tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện có tình trạng găm hàng, tăng giá sẽ xử lý nghiêm. |