Tăng kiểm soát mua trước, trả sau

Mua trước, trả sau (Buy now, Pay later - BNPL) đang là xu hướng thanh toán trực tuyến phát triển bùng nổ trên thế giới, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng thuận rõ ràng về khung pháp lý, các nước vẫn đang cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tổn hại và khuyến khích đổi mới trong ngành.

Chi tiêu vượt kiểm soát

Hoạt động kinh doanh BNPL đã phát triển mạnh sau thời điểm mua sắm trực tuyến bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhờ nhiều biện pháp kích thích mua sắm và các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất cực thấp. Không giống như loại hình mua trả góp truyền thống, dịch vụ BNPL cung cấp các khoản vay không tính lãi đối với khoản tiền nhỏ. Các hình thức BNPL đang ngày càng trở nên phổ biến tại châu Á do mang lại những lợi ích hấp dẫn cho người bán và người mua.

Thông thường, các công ty tung ra các khoản vay ngắn hạn không tính lãi ngay trên trang web của mình, chỉ kèm theo những yêu cầu tối thiểu về xác minh khả năng tín dụng của người mua. Nhờ đó, người mua có thể kéo dài khoản thanh toán trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Phần lớn khách hàng trong trường hợp này là những người khó khăn về tài chính. Người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm sau khi thanh toán đợt đầu tiên dưới hình thức trực tuyến hoặc quét mã QR tại cửa hàng. Điều này giúp họ có thể vừa mua được sản phẩm mong muốn, vừa linh hoạt hơn trong quản lý dòng tiền chi tiêu.

Đối với người bán hàng, chi phí mà họ phải bỏ ra cho BNPL thường cao hơn so với thẻ tín dụng. Đổi lại, những người bán cũng được hưởng lợi từ doanh số bán hàng cao hơn, khi người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hàng hóa và trả nhiều tiền hơn. Sự bùng nổ của thị trường BNPL đang thôi thúc ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính tham gia vào lĩnh vực này. Sự phát triển nói trên cũng đang thu hút sự chú ý từ các cơ quan quản lý, nếu tính đến khả năng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một vấn đề khác chính là việc BNPL có xu hướng khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát vì mua hàng quá nhiều, hoặc mua những món đồ đắt tiền hơn dự kiến.

J6B.jpg
Xu hướng Mua trước, trả sau phổ biến tại châu Á. Ảnh: PYMNTS

Bảo vệ người tiêu dùng

Tại Malaysia, dịch vụ BNPL đặc biệt phổ biến, với khoảng 19 nhà cung cấp BNPL đang hoạt động sôi nổi. Theo thống kê của Hội đồng Giám sát tín dụng người tiêu dùng (CCOB), có 2,9 triệu người dùng đang sử dụng BNPL. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, tổng cộng có khoảng 52 triệu giao dịch trị giá 4,3 triệu MYR (915.000USD) được ghi nhận. Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch ban hành Đạo luật Tín dụng tiêu dùng, trong đó đề cập đến áp dụng yêu cầu tài chính tối thiểu 2 triệu MYR (khoảng 440.000USD) đối với các nhà cung cấp BNPL. Malaysia cũng thành lập ban giám sát tín dụng tiêu dùng nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tín dụng.

Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) đã công nhận 4 nhà cung cấp dịch vụ BNPL dựa trên các hướng dẫn được nêu trong quy tắc ứng xử thúc đẩy các hoạt động cho vay có trách nhiệm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, 4 công ty Abnk, Atome, Grab và SeaMoney có thể hiển thị Trustmark của hiệp hội trên trang web và các kênh khác để chứng minh đã đáp ứng Bộ quy tắc do SFA đưa ra. Bộ quy tắc bao gồm giới hạn số tiền tín dụng tối đa mà người tiêu dùng có thể vay ở mức 2.000SGD (1.500USD), trừ khi khách hàng hoàn thành các đánh giá tín dụng bổ sung, liên quan đến thông tin thu nhập và thông tin tín dụng được chia sẻ cho tất cả các nhà cung cấp thông qua Experian.

Các chương trình BNPL ngày càng phổ biến ở Indonesia đang khiến nợ tiêu dùng ở xứ Vạn đảo tăng tới mức đáng lo ngại. Dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) cho thấy nợ tiêu dùng phát sinh thông qua các chương trình BNPL đã tăng lên 6.130 tỷ rupiah (382 triệu USD) tính đến tháng 3-2024, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. OJK đang nghiên cứu các khung pháp lý phù hợp với các dịch vụ mua trước trả sau để đảm bảo tăng trưởng bền vững và bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Australia, theo dữ liệu của các công ty công nghệ tài chính, phần lớn khách hàng tham gia BNPL là giới trẻ, ở độ tuổi từ 18 - 25. Số liệu của chính phủ nước này công bố năm ngoái cho thấy, Australia có khoảng 7 triệu tài khoản BNPL đang hoạt động, với giá trị giao dịch trung bình là 136AUD (khoảng 90,6 USD). Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các biện pháp kiểm tra tài chính một cách khắt khe. Lý do chính là các công ty trong ngành thường “bỏ túi” phần lớn doanh thu qua phí thương mại, chứ không phải phí thanh toán lãi. Do đó, Chính phủ Australia đưa ra dự thảo luật yêu cầu các công BNPL triển khai các biện pháp kiểm tra, đánh giá khả năng tín dụng của người mua. Theo đề xuất luật, các công ty BNPL cần được Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia cấp phép để có thể tham gia các hoạt động tín dụng.

Tin cùng chuyên mục