Tăng khả năng cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Để cạnh tranh và giữ thị phần trên thị trường bán lẻ, doanh nghiệp nội đang nỗ lực chuyển đổi số bằng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phù hợp với tiềm lực, thế mạnh của mình.

Chuyển đổi số giúp ngành bán lẻ nội hiểu khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh
Chuyển đổi số giúp ngành bán lẻ nội hiểu khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh

Chậm chuyển đổi sẽ mất cơ hội

Theo Bộ Công thương, quy mô ngành bán buôn, bán lẻ Việt Nam đã vượt 180 tỷ USD vào năm 2023 với hơn 1.200 siêu thị, hơn 8.500 chợ. Toàn bộ hoạt động bán buôn và bán lẻ đóng góp 9,83% vào GDP năm 2023 và đến năm 2025 quy mô ngành này có thể tăng lên 350 tỷ USD, cho thấy tầm quan trọng của ngành này trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho quốc gia.

Mặc dù ngành bán lẻ tiềm năng là vậy, song theo TS Lê Thị Hải Yến, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, mô hình bán lẻ truyền thống hiện hành đã không còn thỏa mãn những yêu cầu và thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại số. Vì vậy, các nhà bán lẻ truyền thống phải chuyển mình về chất theo hướng phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh.

Thực tế, Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành thương mại và bán lẻ. Với hơn 78,44 triệu người dùng internet và 84% người dân sử dụng điện thoại thông minh tính đến đầu năm 2024, việc ứng dụng công nghệ số vào ngành bán lẻ đã trở thành một xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ tận dụng cơ hội này để tăng cường hiệu quả hoạt động, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Ngoài ra, theo thống kê từ Bộ TT-TT, hiện nay, tỷ trọng thương mại điện tử (còn được biết đến là bán hàng online trên các sàn, mạng xã hội, TikTok…) trong tổng lượng bán lẻ ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 20%-25%/năm. Đặc biệt, theo thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, kênh bán hàng online dù chỉ chiếm 5% nhưng tăng trưởng với mức 35%-45%, trong khi đó kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa chiếm khoảng 70% hàng hóa lưu thông) chỉ tăng trưởng 4%-5% và kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…) chiếm 20% doanh số nhưng cũng chỉ tăng trưởng 10%.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, từng chia sẻ trước báo giới tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn nhưng cùng với đó đã kéo các nhà bán lẻ ngoại vào, tạo điều kiện cho hàng ngoại “du nhập” cạnh tranh trực tiếp với hàng nội và nếu chúng ta không hành động, dần dần sẽ mất thị trường.

Tăng tốc đổi mới để giữ thị phần

Trước xu thế trên, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, điển hình là Saigon Co.op đã và đang nỗ lực đầu tư cho chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số này được thể hiện qua thúc đẩy mô hình thương mại điện tử, trong đó tích hợp trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua công nghệ AI. Dùng công nghệ thấu hiểu hơn hành vi của khách hàng, có tính dự báo thị trường để dẫn dắt thị trường, qua đó kết nối giữa người dùng và nhà cung cấp hiệu quả hơn. Đồng thời, nhà bán lẻ này đã cho ra đời nền tảng trực tuyến Co.op online trong hệ sinh thái từ năm 2018. Đây là kênh mua sắm trực tuyến của Saigon Co.op thông qua 2 nền tảng gồm website mua sắm trực tuyến (https://cooponline.vn/) và ứng dụng Saigon Co.op trên điện thoại

Theo đánh giá của ông Arun Kumar, Giám đốc khu vực ManageEngine (thuộc Zoho, một tập đoàn phát triển phần mềm của Ấn Độ), quá trình chuyển đổi số giúp tự động hóa các hoạt động kinh doanh, từ quy trình quản lý chuỗi cung ứng đến kiểm soát hàng tồn kho, không chỉ làm giảm chi phí vận hành mà còn cải thiện hiệu suất và tăng lợi nhuận. “Chuyển đổi số không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn định vị các doanh nghiệp bán lẻ để phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh”, ông Arun Kumar nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Arun Kumar cho biết, việc áp dụng công nghệ số trong ngành bán lẻ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất nằm ở khả năng quản lý sự thay đổi, đặc biệt là văn hóa tổ chức và thói quen làm việc. Nhiều doanh nghiệp ngại thay đổi hoặc gặp khó khăn trong việc tích hợp các công nghệ mới vào hệ thống hiện có mà không gây gián đoạn hoạt động.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi nhà bán lẻ thuần Việt Saigon Co.op đã lựa chọn lối đi phù hợp dựa trên thế mạnh của mình để theo kịp sự thay đổi và cập nhật liên tục công nghệ hiện đại. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đã chọn lọc những thế mạnh, có sự tập trung mũi nhọn, không dàn trải; xác định lại xu hướng, thói quen của người tiêu dùng, lắng nghe tiếng nói khách hàng để chủ động trong vấn đề quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, Saigon Co.op tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, cải thiện hoạt động logistics bằng việc tập trung đẩy mạnh triển khai POS Omni, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử… để theo kịp tốc độ phát triển nhanh của xu hướng công nghệ.

Chính những đầu tư mạnh mẽ này đã giúp Saigon Co.op dù chịu sức ép lớn từ nhiều biến động bất thường, sự cạnh tranh từ các đối thủ cũng như các yếu tố khó khăn nội tại nhưng vẫn duy trì doanh số năm 2023 đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 30.000 lần so với doanh thu 1 tỷ đồng của ngày đầu thành lập. Đặc biệt, doanh số bán hàng trực tuyến của hệ thống năm 2023 đạt gần 1.702 tỷ đồng, tăng trưởng 20,7% so với cùng kỳ.

Các thống kê được nhà bán lẻ này đưa ra gần đây cho thấy, hiện Saigon Co.op đang phục vụ 1 triệu lượt khách/ngày với hơn 4 triệu khách hàng thành viên thân thiết và sở hữu hơn 800 điểm bán bao gồm siêu thị Co.opmart và với các thương hiệu khác trong hệ sinh thái bán lẻ như Co.opXtra, Co.opFood, Co.op Smile, Cheers 24h, SC Vivo City, Sense City, SenseMarket... phủ kín tất cả các phân khúc thị trường

Sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op còn tạo điều kiện tối đa cho hàng Việt, bởi nhà bán lẻ này luôn ưu tiên quầy kệ và có chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp sản xuất nội địa. Nhiều thương hiệu Việt như bánh kẹo Bibica, thực phẩm Vissan, Ba Huân, San Hà, mỹ phẩm Sài Gòn… đã duy trì thị phần và mở rộng thương hiệu song hành cùng sự phát triển của Saigon Co.op.

Tin cùng chuyên mục