Tăng kết nối, tìm đầu ra cho hàng Việt

Thông qua các hội chợ, triển lãm, đặc biệt là các hội nghị kết nối cung - cầu tại TPHCM, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên cả nước đã tìm được đầu ra và kết nối trực tiếp được với người tiêu dùng.

Gian hàng của Saigon Co.op tại hội nghị kết nối cung - cầu TPHCM 2024
Gian hàng của Saigon Co.op tại hội nghị kết nối cung - cầu TPHCM 2024

Nhiều hàng hóa được đưa về TPHCM

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có dân số gần 13 triệu người, TPHCM được các DN đánh giá là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2024” được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua thu hút tới 2.000 DN đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Hội nghị này còn được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Sở Công thương TPHCM tổ chức.

Báo cáo từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, tham gia sự kiện lần này, các địa phương đều lên kế hoạch kỹ càng và chọn lọc mặt hàng thế mạnh, đặc trưng để mang tới kết nối. Chẳng hạn tỉnh Long An có đến 48 gian hàng là sản phẩm của 37 DN, HTX tham gia trực tiếp với đa dạng ngành nghề, sản phẩm (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm tiêu dùng...). Hay như tỉnh Đồng Tháp tham gia chương trình với không gian triển lãm gồm 30 DN giới thiệu các đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh này như sen, trái cây, thực phẩm chế biến... Còn tỉnh Đồng Nai có 22 DN, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của Đồng Nai như trái cây sấy, bột ca cao…

Chia sẻ từ đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành có DN tham gia kết nối cho biết, TPHCM là thị trường lớn, trọng tâm của họ và cũng là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Do vậy, sau mỗi lần đưa hàng hóa tới TPHCM đều giúp DN hiểu được nhu cầu thị trường, từ đó có những thay đổi phù hợp và tiếp cận kinh doanh hiệu quả hơn. “Rất nhiều sản phẩm của tỉnh Long An sau khi tham gia các chương trình kết nối tại TPHCM đều tìm đường vào được kênh phân phối hiện đại và có doanh thu khả quan”, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết.

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Thực tế cho thấy, cả DN sản xuất lẫn phân phối đều chú trọng đến việc kết nối trực tiếp nên đã chọn hội nghị kết nối cung - cầu để tham gia. Theo Sở Công thương TPHCM, chỉ riêng trong ngày 26-9, hơn 300 DN đã đăng ký hơn 1.000 lượt kết nối trực tiếp (B2B) với 16 đơn vị phân phối là siêu thị, sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối... để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Tại khu vực kết nối của nhà bán lẻ Saigon Co.op với hệ thống cửa hàng Co.op Food, siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra đã liên tục đón tiếp những nhà cung cấp từ Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp, Quảng Trị và các tỉnh phía Bắc. Sản phẩm được DN đem đến kết nối cũng khá đa dạng như nước mắm, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến, yến chưng, mật ong, cà phê…

Qua làm việc với các nhà cung cấp, đại diện Phòng thu mua của Saigon Co.op đã thông tin về quy chuẩn đầu vào, giấy tờ cần thiết cũng như điều kiện đảm bảo để hàng hóa có thể vào được siêu thị. Theo đại diện của Saigon Co.op, điều kiện để đưa hàng vào Co.opmart/Co.opXtra không khó, quan trọng là DN cần có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phù hợp và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại diện Saigon Co.op khẳng định, tất cả sản phẩm kinh doanh tại Saigon Co.op được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất trước khi giao hàng đến siêu thị, người tiêu dùng. Đó cũng là lý do yêu cầu chất lượng luôn được nhà bán lẻ này đặt lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp để nhà cung cấp không bị thiệt.

Do vậy, Saigon Co.op đòi hỏi nhà cung cấp phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, những hoạt động như hội nghị kết nối cung - cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bên mua - bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến; chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phối hiện đại, phương thức tham gia sàn thương mại điện tử, kênh phân phối truyền thống…. Đặc biệt, hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ giữa các bên mà Sở Công thương tập trung giải pháp “sau kết nối”. Theo đó, những DN có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… trong giai đoạn đầu.

Tin cùng chuyên mục