Đáp ứng cho cả hiện tại và tương lai
Theo Sở GTVT TPHCM, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt tới sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn hiện tại và khi nhà ga hành khách T3 được xây dựng hoàn thành, dự kiến sẽ tăng năng suất đón thêm hàng triệu hành khách cho sân bay này, TPHCM sẽ triển khai xây dựng 9 dự án cầu đường kết nối tới đây. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố Lương Minh Phúc (đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các công trình này) cho biết, trọng tâm sẽ là đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (qua các đường Phan Thúc Duyện, 18E, C2 và C12) với quy mô 4-6 làn xe.
Điểm đầu của tuyến đường là mũi tàu Công viên Chiến Thắng, sau đó đi song song với đường Cộng Hòa và nối vào đường Trường Chinh. Tuyến đường này có 2 chức năng, một là trục mới kết nối trực tiếp vào nhà ga hành khách T3. Nếu ai không vào nhà ga T3 sẽ tiếp tục lưu thông qua cầu vượt trên cao để sau đó tới mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hòa (đầu đường Phạm Văn Bạch - Tân Sơn). Chính vì vậy, chức năng thứ hai của tuyến đường là chia tải cho đường Cộng Hòa đang quá tải trầm trọng.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc, ngoài trục đường Trần Quốc Hoàn, ngay tại ngã ba Trường Chinh - Cộng Hòa sẽ xây dựng thêm hầm và đây cũng sẽ là nhà ga của tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương trong tương lai. Kế đó gồm các dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, Trường Chinh, Cộng Hòa, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn…
Phía bên đường Tân Sơn - Phạm Văn Bạch hướng ra mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa sẽ có các dự án hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với hệ thống nhà ga metro tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ga này. “Như vậy, khi tất cả các tuyến đường được xây dựng hoàn chỉnh không những giúp giảm tải cho khu vực mà còn là cơ sở quan trọng để nối kết giữa hệ thống giao thông bộ với nhà ga metro sau này”, ông Lương Minh Phúc cho hay. Bên cạnh đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa còn có những tuyến đường nhánh xương cá như Hoàng Hoa Thám, Thân Nhân Trung và hàng loạt tuyến hẻm cũng sẽ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông khi nhà ga T3 hoàn thành.
Hiện nay, dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn đã được thông qua chủ trương đầu tư công. Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố sẽ trình dự án khả thi, chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến quý 2-2021 khởi công xây dựng để kịp với tiến độ nhà ga hành khách T3. Các dự án xung quanh cũng đang khẩn trương chuẩn bị trình duyệt phê duyệt thiết kế.
Và giải quyết ùn tắc từ xa
Ngoài các dự án kết nối trực tiếp quanh khu vực nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, để giao thông khu vực cửa ngõ Tây Nam đảm bảo thông thoáng và hạn chế ùn tắc từ xa, thành phố sẽ xây mới hàng loạt cầu trên tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý; mở rộng quốc lộ 1 đoạn hướng về miền Tây Nam bộ; nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa)…
Theo đó, nhằm chia tải cho đường Trường Chinh và Cộng Hòa, đặc biệt giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ trên đường Lê Trọng Tấn, trục đường chính từ quốc lộ 1 vào sân bay Tân Sơn Nhất, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố đang triển khai xây dựng cầu Bưng mới bắc qua kênh Tham Lương nối liền 2 quận Tân Phú và Bình Tân.
Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố Nguyễn Vinh Ninh cho biết, để xóa “thắt cổ chai” đoạn đường Lê Trọng Tấn, mặt đường Lê Trọng Tấn phía quận Bình Tân sẽ được mở rộng lên 30-40m và mặt đường phía quận Tân Phú mở rộng lên 30-35m, cho 6 làn xe lưu thông. Còn dự án xây dựng cầu Bưng mới bắc qua kênh Tham Lương có tổng chiều dài 560m, trong đó cầu mới dài 212m, rộng 21 - 24m thay thế cho cống tròn hiện đường kính chỉ 1m và mặt đường trên cống chỉ rộng 7m; tổng mức đầu tư 514,5 tỷ đồng, trong đó đền bù giải tỏa khoảng 141 tỷ đồng. Cạnh đó, sẽ làm đường chui 2 bên, cách dạ cầu Bưng 3m để cho các loại xe lưu thông dọc theo kênh Tham Lương. Dự kiến, công trình hoàn thành sau 20 tháng thi công.
Còn tại nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, lượng xe từ huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12... cùng những nhánh đường nhỏ gần đó đổ dồn về khiến đường luôn dày đặc xe và thường xuyên tắc nghẽn giao thông. Đoạn đường chỉ khoảng 700m nhưng nhiều thời điểm, người dân phải mất tới hàng tiếng đồng hồ mới qua được. Tại đây luôn phải có lực lượng thanh niên xung phong và CSGT tham gia điều tiết giao thông. Để giải quyết tình trạng ùn tắc tại đây, hiện 2 dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý đang khẩn trương triển khai.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, vấn đề cần giải quyết nhanh hiện nay là giải phóng mặt bằng. Việc này do quận Tân Bình và Tân Phú làm chủ đầu tư. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố đang lựa chọn nhà thầu cho dự án mở rộng đường Trường Chinh. Riêng dự án Tân Kỳ Tân Quý, đã lựa chọn được nhà thầu. Nếu mọi việc thuận lợi, khi có mặt bằng, sẽ tiến hành triển khai ngay 2 dự án xóa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Tây Nam này.
Nhiều chuyên gia về giao thông đánh giá, việc gấp rút thực hiện các dự án chống ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng như cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, đồng loạt triển khai thực hiện cả chục dự án trong cùng một khu vực có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc thì việc thi công cần có phương án cụ thể cũng như đảm bảo khả năng lực thực hiện cao của nhà thầu. Đặc biệt, khâu giải phóng mặt bằng cần phối hợp nhịp nhàng, với quyết tâm cao mới có thể đạt đúng tiến độ. Bên cạnh đó, phải tối ưu hóa khả năng kết nối của các dự án với những tuyến trục chính để giải quyết bài toán giao thông một cách đồng bộ, tránh làm theo cách kẹt đâu mở đó, hư đâu thì sửa đó. |