Quy hoạch đô thị theo mô hình tập trung - đa cực
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, với quy mô dân số hơn 10 triệu người, TPHCM đang phải chịu nhiều áp lực lớn trong công tác ứng phó với BĐKH, đồng thời cân bằng với nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, định hướng thành phố phát triển sẽ theo mô hình tập trung - đa cực. Cấu trúc phát triển đô thị được khuyến nghị cho mỗi hướng phát triển dựa trên điều kiện địa chất thủy văn đặc thù đất tốt, đất xấu, đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ diện tích mặt nước. Đồng thời, quy hoạch chung thành phố cũng góp phần giữ mảng xanh quan trọng ở Khu bảo tồn sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vành đai xanh tại huyện Bình Chánh cũng như phân bố hệ thống không gian xanh phát triển mới ở Công viên Sài Gòn - Safari (huyện Củ Chi).
Để thực hiện mục tiêu này, Sở QH-KT TPHCM đang triển khai kế hoạch đánh giá rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Sở QH-KT đã xác định cần đưa các nội dung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các tác động của BĐKH; các xu hướng, kịch bản BĐKH để có một cái nhìn tổng thể và toàn diện nhằm xây dựng phương án quy hoạch chung cho thành phố bền vững.
Ngoài những giải pháp công trình như đê bao, hồ điều tiết và các công trình chống ngập khác, thành phố cần rà soát lại định hướng quy hoạch phát triển đô thị một cách khoa học, hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị ở những khu vực chịu rủi ro cao như vùng trũng, tạo thêm vùng đệm xanh, các giải pháp về phòng chống và xử lý tai biến địa chất, ngập lụt và cùng chịu ảnh hưởng nước biển dâng, đảm bảo ứng phó với BĐKH.
Mở rộng hợp tác
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, cán bộ Sở QH-KT TPHCM, nhận xét trong những năm gần đây, tại TPHCM mức độ xâm nhập mặn tăng cao và nhiệt độ trung bình ở vùng lõi đô thị cũng có xu hướng tăng dần, đã ảnh hưởng trực tiếp điều kiện môi trường sống của thành phố.
Trong khuôn khổ kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, Sở QH-KT TPHCM đã phối hợp, hợp tác với một số đối tác nước ngoài như dự án Megacity (CHLB Đức). Trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu chiến lược hỗ trợ phát triển đô thị bền vững thích ứng với BĐKH Megacity tại TPHCM, sở đã hợp tác cùng Trường Đại học Kỹ thuật Brandenburg (Đức) nghiên cứu kết hợp các chiến lược phát triển và biện pháp thích nghi mang tính bền vững vào quá trình ra quyết định và quy hoạch đô thị, nhằm cải thiện việc quản lý và quy hoạch, tăng cường nhận thức và xây dựng năng lực, tiến tới tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của hệ thống đô thị TPHCM.
Trong khi đó, với dự án “Thành phố phát triển về phía biển Đông” hợp tác với thành phố Rotterdam, kết thúc giai đoạn 1, đề án đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu Atlas TPHCM; đồng thời đề ra chiến lược thích ứng với BĐKH của TPHCM với tham vọng đưa thành phố trở thành một “Thành phố đồng bằng độc đáo” với các khuyến nghị và giải pháp về phòng chống, xử lý tai biến địa chất, ngập lụt. Trong giai đoạn 2, đề án tập trung nghiên cứu thí điểm trên địa bàn quận 4, xây dựng dữ liệu cho quận 4 và thiết kế giải pháp tích hợp thích ứng BĐKH.
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết TPHCM nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt từ khu vực thượng lưu. Do đó, để quản lý môi trường lưu vực sông của các vùng giáp ranh liên tỉnh, TPHCM đã chủ động trao đổi và ký kết quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM, với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng.
Bên cạnh việc phối hợp liên tỉnh, sở ngành và UBND các quận, huyện cũng luôn có sự gắn kết trong quá trình kiểm tra, cấp phép, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường nhằm tránh chồng chéo trong quá trình giám sát, kiểm soát nguồn ô nhiễm.
Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với Tổ chức C40 (thành phố Osaka - Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng nhiều quốc gia khác như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... liên quan đến công tác quản lý và công nghệ mới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt; qua đó, tạo cơ hội cho thành phố được học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý này cũng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý.