Nhu cầu vay vốn rất lớn
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, mỗi năm trường xác nhận hàng ngàn đơn để sinh viên làm thủ tục vay vốn học tập từ Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương. Điều này cho thấy, nhu cầu vay vốn để học tập của sinh viên hiện rất lớn. Thế nhưng, với mức vay hiện nay là 2,5 triệu đồng/tháng, rất khó để sinh viên đóng đủ học phí 1 năm, chưa tính đến các chi phí khác trong quá trình học tập.
“Về lâu về dài, các trường nên có những giải pháp mang tính bền vững, đó là huy động các nguồn lực xã hội, từ các doanh nghiệp xây dựng các chương trình cho vay ưu đãi học tập như ĐH Quốc gia TPHCM đang làm. Nếu làm được điều này, các trường sẽ giúp được rất nhiều sinh viên có nhu cầu vay vốn học tập”, Th.S Phạm Thái Sơn kiến nghị. |
Cần thêm giải pháp
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chính sách tín dụng đối với sinh viên từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng và từ năm 2007, mức vay được nâng lên thành 2,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Do đó vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh phù hợp. Chỉ có sinh viên hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh mới được vay. Ở thời điểm hiện nay, các tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình đã thay đổi nên các quy định về tiêu chuẩn vay vốn cần phải được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với thực tế.
Trần Uyển Nhi (xóm 4, thôn 5, xã Đại Lào, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), sinh viên năm 3 ngành Đảm bảo an toàn thực phẩm Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, chia sẻ: “Năm học vừa qua, em phải học trực tuyến và học phí trung bình là 25 triệu đồng/năm, đóng sớm thì nhà trường giảm 5%. Những năm trước, tiền nhà trọ, tiền ăn, sinh hoạt… tằn tiện cũng ở mức 4-5 triệu đồng/tháng. Gia đình em thuần nông, đời sống còn khó khăn. Em cũng tìm cách tiếp cận với chương trình vay vốn học tập nhưng thủ tục vay vốn thật sự khó khăn, như: phải chứng minh thuộc chuẩn hộ khó khăn, hộ nghèo, giấy xác nhận sinh viên của trường và nộp về xã, chờ xét duyệt. Tuy nhiên, năm nay, em cũng như nhiều bạn khác gặp khó khăn trong vay vốn vì địa phương không công nhận giấy xác nhận bản chụp của trường (vì phải giãn cách do dịch Covid-19) và các thủ tục khác cũng bị chững lại... Thông tin được Nhà nước tạo điều kiện để hỗ trợ vay vốn học tập, mua máy tính, em cũng như các bạn rất mừng, nên mong muốn thủ tục cho vay ở địa phương đơn giản hơn, tránh mỗi năm đi vay lại phải làm các thủ tục và xác nhận rườm rà”. |