Tăng hiệu quả đầu tư công, khơi dòng đầu tư tư nhân

Thật tình cờ, có hai cuộc hội thảo về tình hình kinh tế vĩ mô diễn ra trong ngày 11-4, một do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức. Mặc dù mức độ khác nhau, song các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều có chung khuyến nghị: thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tại hội thảo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO), ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam dự báo, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Mức 6% là mức thấp hơn so với mục tiêu 6,5% trong năm 2024 mà Bộ KH-ĐT đề xuất với Chính phủ tuần trước. Song những nhận xét từ Giám đốc ADB tại Việt Nam là khá lạc quan. Theo ông, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng với nhịp độ vững chắc.

Tuy nhiên, bản báo cáo của ADB nêu rõ, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Các chuyên gia ADB lưu ý, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% vào năm 2023 (so với năm trước), mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Mức sụt giảm này khiến tổng vốn đầu tư giảm 6,2%, đảo ngược so với mức tăng 11,3% vào năm 2022 cho thấy sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư tư nhân. Đây cũng chính là vấn đề nổi lên tại cuộc hội thảo của Viện Kinh tế Việt Nam, tập hợp các chuyên gia “gạo cội” trong nước. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói thẳng: “Chúng ta hay được an ủi bằng số doanh nghiệp (DN) được thành lập cao hơn số rút lui khỏi thị trường, bây giờ niềm an ủi đó rất mong manh. Thậm chí có giai đoạn số rút lui còn cao hơn số mới ra đời”. Quy mô DN trong nước thường nhỏ, “tuổi thọ” rất ngắn, trong khi đáng ra đây phải là lực lượng chủ lực của kinh tế Việt Nam.

Có chung lo ngại này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, phân tích, nếu trừ đi mức “trượt giá” thì đầu tư tư nhân đang giảm. Tín dụng tăng chậm suốt cả năm 2023 và đến nay chưa khá hơn là bao. Số DN, nhất là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đang “biến mất” khỏi thị trường nhanh hơn bao giờ hết… Thế nhưng, theo TS Võ Trí Thành, nửa sau năm 2024 “có thể đỡ khó hơn”. Thách thức lớn, nhưng cơ hội cũng rất lớn. Quá trình chuyển đổi xanh và số mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư kinh doanh. Vấn đề là phải củng cố được niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân.

Nhìn từ khía cạnh đầu tư hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư công vẫn hết sức cần thiết. Theo tính toán của ADB, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Bên cạnh đó, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Hiện nay, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công - mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo ra một số chuyển biến đáng ghi nhận, song vẫn còn thấp hơn kế hoạch, dao động quanh 80% trong nhiều năm. Đây là dư địa rất lớn để tạo ra những thay đổi tích cực.

Cùng với đó, nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm quy trình và chi phí tuân thủ cho DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ… tiếp tục là một trọng tâm công tác của toàn hệ thống chính trị. Song song với các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ cho DN qua chính sách tiền tệ, tài khóa, các cơ quan hữu quan cả Trung ương và địa phương cần tìm tòi những cách làm mới, thiết thực giúp DN vượt khó và bắt nhịp với xu hướng quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, từ đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng nhận được.

Thực tế, đây là điều đã được Chính phủ nhận thức rất rõ và thể chế hóa trong Nghị quyết 02/NQ-CP, được ban hành ngay từ những ngày đầu năm 2024. Cho nên, thực hiện tốt Nghị quyết 02 chắc chắn sẽ động viên được DN đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo ra tăng trưởng, công ăn việc làm và năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục