Trước thực tế đó, nhiều trường đã chọn giải pháp “mở cửa” để tăng cường phối hợp với phụ huynh, qua đó nâng cao khả năng giám sát và công khai chất lượng các hoạt động.
Trong học kỳ 1 vừa qua, nhiều trường học đã tổ chức các tiết học mở, phụ huynh vào trường tham gia bữa ăn bán trú cùng con. Cùng với đó, hình ảnh suất ăn trưa và thực đơn bán trú của học sinh được các phòng GD-ĐT quận, huyện yêu cầu cập nhật thường xuyên trên website trường học để phụ huynh công khai giám sát.
Ở cấp THCS và THPT, học sinh được tham gia đối thoại với ban giám hiệu định kỳ 2 lần/năm học nhằm kịp thời giải tỏa những thắc mắc, tăng tính phản biện giữa người dạy và người học. Có thể nói, những hoạt động trên là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo nhằm tạo dựng lại niềm tin cho phụ huynh, tăng cường kết nối với học sinh để nâng cao hiệu quả dạy học.
Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn tình trạng trường học tổ chức hoạt động rình rang, nặng tính hình thức. Nhiều học sinh vẫn phàn nàn về chất lượng bữa ăn. Đối với các tiết học mở, nhiều giáo viên còn mang tư tưởng trình diễn là chính, phụ huynh tham gia với tâm thế muốn biết con ăn gì, học gì ở trường chứ chưa ý thức đầy đủ nhiệm vụ phối hợp tổ chức các hoạt động với giáo viên.
Nói cách khác, việc các trường mở cửa cho phụ huynh vào tham gia các hoạt động mới đạt hiệu quả bước đầu ở việc công khai chất lượng, nhưng chưa thật sự đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh.
Hiện nay, toàn ngành đang đẩy mạnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Để đạt mục tiêu đó, nỗ lực từ trường học thôi chưa đủ mà cần sự phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội để phát huy toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Trong đó, trường học cần thường xuyên tuyên truyền cho cha mẹ học sinh hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của mình; qua đó huy động thêm nguồn lực, tăng cường sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh và nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh.