Hội thảo với mong muốn nối dài hơn nữa danh mục những sản phẩm Việt được bày bán tại các hệ thống phân phối hiện đại tại Nhật Bản, đồng thời mở rộng cánh cửa để vươn xa và chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Đối tác “vàng” của DN Việt
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC cho biết, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn phức tạp, khó lường, do đó nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nguồn cung nguyên liệu và đầu ra sản phẩm của các ngành sản xuất, nhất là các ngành có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Là đơn vị luôn đồng hành, sát cánh và hỗ trợ DN, ITPC thấu hiểu những khó khăn mà các DN đang gặp phải. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời cũng là dịp để các DN có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn, thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm, dịch vụ nhằm tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, ITPC đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ cộng đồng DN nhanh chóng phục hồi, phát triển mới chuỗi cung ứng, mở rộng quan hệ đối tác và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp cận các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại ở cả trong và ngoài nước...
Đối với Aeon, theo ông Nguyễn Hữu Tín, đây là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản và là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới. ITPC là đơn vị đã sớm có mối quan hệ hợp tác với Aeon từ những ngày đầu tập đoàn này đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việc tổ chức hội thảo lần thứ 3 liên tiếp với Aeon, ITPC mong muốn thông tin tới cộng đồng DN những kiến thức về nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản; quy trình lựa chọn nhà cung cấp cho nhãn hàng Aeon TOPVALU; các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon; ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói, bảo quản và giữ độ tươi nguyên chất của mặt hàng nông sản, trái cây trong chế biến… nhằm giúp DN có sự chuẩn bị thật tốt cho bước đầu thâm nhập thị trường Nhật Bản, thông qua Aeon.
"Đến nay, Aeon Việt Nam đã có 5 trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị trên toàn quốc. Aeon dự kiến sẽ mở trung tâm thương mại thứ sáu tại TP Hải Phòng vào cuối năm nay và đầu tư một dự án trung tâm thương mại kết hợp tạo dựng khu đô thị mới tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội trong tương lai. Với 8 công ty đang hoạt động, Aeon Việt Nam tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, hợp tác với hơn 2.500 tổ chức và DN trong nước để cung ứng sản phẩm cho toàn hệ thống" - Ông NISHITOHGE YASUO, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam |
Cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật
Với triết lý kinh doanh lấy khách hàng là trọng tâm, “khách hàng là số 1”, Aeon đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cống hiến cho Việt Nam thông qua việc thúc đẩy mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản và thị trường nước ngoài. Aeon đã tổ chức phối hợp một cách hiệu quả giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn tại Việt Nam, đồng thời cùng với Bộ Công thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, hướng đến xuất khẩu. Hiện nay, mặt hàng cá ba sa Việt Nam trên các kệ hàng của Aeon cũng đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt của người tiêu dùng Nhật Bản, với sản lượng tiêu thụ không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu cá ba sa sang Nhật Bản lên tới 1.200 tấn.
Mới đây nhất, ngày 23-6 vừa qua, những lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được bày bán tại hệ thống phân phối của Aeon, gồm 250 trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và cửa hàng Aeon Style tại Nhật Bản. Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Aeon trong suốt thời gian qua, để đưa các sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật.
Theo tính toán của ông Nishitohge Yasuo, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon năm 2019 đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc; tỷ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp.
Đối với hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, cơ cấu nhà cung cấp cho Aeon hiện nay bao gồm 53% là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; 28% là các mặt hàng may mặc và 19% là mặt hàng điện máy, điện tử, thiết bị, đồ dùng gia đình. Doanh thu các mặt hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon vào khoảng 81%. Aeon Việt Nam tiếp tục phát triển nhãn hàng TOPVALU trên thị trường nội địa với các sản phẩm chiến lược, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của nhà cung ứng Việt Nam.
Để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Duy Xuân, Giám đốc Bộ phận Quản lý nhà cung cấp của Aeon Việt Nam, DN cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với 6 yêu cầu cơ bản: sản phẩm không được có điều tiếng về chất lượng; có đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam; điều kiện vận chuyển, thùng chứa sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm; sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc; kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng… theo quy định Việt Nam; sử dụng thuốc, phụ gia (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc thú y…) trong sản xuất phải tuân thủ quy định Việt Nam.
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon TOPVALU, cũng cho rằng, các DN Việt Nam muốn trở thành đối tác của Aeon TOPVALU cho thị trường nội địa - Đông Nam Á cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện cơ bản phải đáp ứng, như khả năng tiếp nhận đơn hàng (có khả năng sản xuất đơn hàng dự kiến tại thời điểm thương lượng); có định hướng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng cho Aeon; có thể sản xuất theo hình thức gia công (OEM); sẵn sàng cung cấp hồ sơ giới thiệu về DN; DN có thời gian thành lập trên một năm; có sản lượng hàng tháng ổn định và cung cấp chi tiết đối tác giao dịch khi được yêu cầu. Với đối tác xuất khẩu, Aeon đặt ra điều kiện khắt khe hơn, ngoài 3 điều kiện về khả năng tiếp nhận đơn hàng, định hướng sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng cho Aeon và OEM nêu trên, DN cần cung cấp báo cáo tài chính hai kỳ gần nhất; DN đã được thành lập trên 5 năm; sở hữu nhà xưởng, thiết bị sản xuất; công suất hoạt động nhà xưởng phải đạt trên 75% của kỳ trước (năm trước); quy mô sản xuất phải lớn gấp 10 lần so với số lượng dự kiến đặt hàng và phải có kinh nghiệm sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Aeon cũng đặt ra yêu cầu trong quy tắc ứng xử đối với đối tác, về cơ bản phải tuân thủ pháp luật của quốc gia hoặc khu vực mà DN đang hoạt động. Các nội dung trong quy tắc ứng xử nhà cung ứng cần lưu ý là lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; an toàn vệ sinh và sức khỏe; tự do thương lượng tập thể; phân biệt đối xử; kỷ luật; thời gian làm việc; lương và phúc lợi; trách nhiệm quản lý; môi trường; giao dịch thương mại; chứng nhận, đánh giá, giám sát; nghiêm cấm biếu tặng. Aeon cũng sẽ tổ chức đánh giá nhà máy của DN muốn trở thành đối tác cung ứng cho Aeon trước khi chính thức ký văn bản hợp tác.
Ông Tomoaki Fukui, Giám đốc cao cấp Bộ phận Sản phẩm Aeon TOPVALU, cũng chia sẻ thêm về quy trình quản lý chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng sản phẩm, quá trình nhập và vận chuyển sản phẩm, nhiệt độ và thời hạn sử dụng để đảm bảo đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng tươi ngon, nguyên chất nhất. Theo ông Tomoaki Fukui, nếu các nhà cung cấp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Aeon, cũng đồng nghĩa hàng hóa của các DN Việt sẽ tiến sâu hơn vào nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới. |