Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng lượng xăng dầu các loại (gồm cả nhập khẩu, mua của nguồn sản xuất trong nước và pha chế) được cung ứng trong năm 2023 khoảng 26,02 triệu tấn. Trong đó, sản lượng nhập khẩu khoảng 10,2 triệu tấn. Thị trường xăng dầu đã có một năm cơ bản ổn định về giá, tránh được tình trạng bị đứt gãy trầm trọng nguồn cung như một số năm trước đó. Năm 2024, Bộ Công thương đã cân đối, tính toán, phân giao chỉ tiêu tổng lượng xăng dầu tối thiểu cần phải có cho cả năm để các doanh nghiệp thực hiện gần 28,42 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng xăng dầu cung cho thị trường năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 2,4 triệu tấn.
Có thể việc tăng chỉ tiêu hạn mức tối thiểu năm nay sẽ khiến một số doanh nghiệp xăng dầu băn khoăn, bởi theo phản ánh từ các đại lý kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, trong năm 2023, mức độ tiêu thụ xăng dầu khá “trầm lắng” so với các năm trước đây. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, ngại rủi ro nếu đầu tư… Dù vậy, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ cung ứng xăng dầu năm 2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự báo năm 2024, nhu cầu trong nước sẽ tăng, thậm chí là tăng đột biến.
Rõ ràng, trước bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới luôn tiềm ẩn những rủi ro, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn diễn ra ở nhiều khu vực, nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng có thể tái diễn. Vì vậy, phải có một phương án dự phòng cho các tình thế để đảm bảo an ninh năng lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải vừa vận hành theo cơ chế thị trường vừa phải bảo đảm vai trò của nhà nước trong việc quản lý điều tiết mặt hàng này. Điều quan trọng giải pháp để tháo gỡ mâu thuẫn này chính là cách điều hành, tính toán các kịch bản phân giao chỉ tiêu hạn mức cần linh hoạt.
Trước đây, Bộ Công thương thường phân giao hạn mức xăng dầu cả năm cho doanh nghiệp từ đầu năm. Bây giờ, kịch bản điều hành không chỉ là hàng năm (cả năm) mà phải cân đối, linh hoạt theo từng quý, thậm chí từng tháng, để doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối bám sát thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch mua hàng, vừa đảm bảo được hiệu quả kinh doanh, vừa tránh bị động. Cùng với đó, Bộ Công thương phải xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp không đảm bảo chỉ tiêu phân giao, nhất là những doanh nghiệp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng vào những dịp có nguy cơ sốt thiếu để ngăn chặn đẩy giá, lũng đoạn thị trường.