Trước mắt, đến năm 2025, kế hoạch đặt ra mục tiêu bảo đảm tổng lượng phát thải khí mêtan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương, giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mêtan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2 tương đương.
Để giảm phát thải khí mêtan trong quản lý chất thải và xử lý nước thải, giai đoạn tới sẽ xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn; lồng ghép quy hoạch quản lý chất thải cấp vùng và cấp địa phương vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định và phù hợp điều kiện các địa phương. Lựa chọn, áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải hiện đại; công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost; công nghệ thu hồi khí mêtan phát sinh trong xử lý nước thải công nghiệp; công nghệ sinh học loại bỏ khí metan trong xử lý nước thải sinh hoạt; xử lý bùn thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung bằng phương pháp yếm khí kết hợp thu hồi khí mêtan.
Đồng thời, hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải khí mêtan thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ.