Ngày 25-2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhấn mạnh khó nhất là vấn đề giá xăng dầu. Đại diện các bộ ngành đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, thế giới để chủ động, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác điều hành giá; sẵn sàng các kịch bản điều hành giá trước các biến động. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về điều hành giá công khai, minh bạch, kịp thời, xác thực để nhân dân hiểu, ủng hộ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, không để nhiễu loạn thông tin, gây ra những ảnh hưởng không đáng có…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua (trước và sau tết Nguyên đán) đã chủ động, bám sát tình hình, vào cuộc tích cực, bảo đảm thị trường thông suốt, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của nhân dân, kiểm soát được lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm ổn định vĩ mô cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2022 diễn biến hết sức phức tạp. Các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao. Nguyên nhân chính là do các nước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Vừa qua, giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng; bên cạnh đó, các nước phát triển dự báo lạm phát tăng khoảng 4%, các thị trường mới nổi tăng gần 6%. Việt Nam là nền kinh tế mở, nên chịu tác động rất mạnh, áp lực lớn đối với công tác điều hành giá.
Theo Phó Thủ tướng, trong tháng 1, CPI chỉ tăng khoảng 0,19%, nhưng dự báo tháng 2 sẽ tăng cao, trong 2 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng khoảng 1,6%-1,7%, do đó thời gian tới, cần hết sức quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp.
Đặc biệt, về mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới. Trên thị trường thế giới, từ ngày 11-1 đến ngày 21-2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới đã tăng từ 15,45%-20,88%, nhưng nhờ điều hành linh hoạt, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59%-14,04%. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Cũng theo Phó Thủ tướng, vừa qua có tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến (tại TPHCM có 458 đầu mối, chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán…). Hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh. Đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, phải xử nghiêm các hành vi sai phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu. Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm. Trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, do đó Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit-test.
Dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại của năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao, vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm, vì vậy Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, lường trước tình huống xấu hơn để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng: điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh…, tránh tình trạng tác động cộng hưởng đối với công tác điều hành giá thời gian tới. Giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi.