Chiều 11-6, liên bộ Công thương - Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tăng đồng loạt các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, các mặt hàng xăng đã tăng thêm 622 - 633 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu tăng thêm 587 - 675 đồng/lít/kg so với giá cũ. Hiện nay, giá xăng E5 RON 92 đã lên tới 19.048 đồng/lít, còn xăng RON 95 là 20.164 đồng/lít.
Theo báo cáo của liên bộ, việc tăng giá xăng dầu trong nước lần này là do diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày gần đây tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chính là tăng cao.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân, doanh nghiệp lại bày tỏ nỗi lo lắng khi giá xăng dầu liên tục “leo dốc” kể từ tháng 11-2020, ngay cả trong thời điểm giá dầu thế giới giảm mạnh (tháng 5-2021). Nhất là thời điểm hiện nay, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ nguy hiểm cao hơn, đã tác động vào nền kinh tế nặng nề hơn. Đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quốc gia. Hàng trăm ngàn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động. Trong khi thời gian gần đây, nhiều mặt hàng như vật liệu xây dựng, điện, xăng dầu, rau củ, thịt, các nhu yếu phẩm… cũng đua leo giá theo dịch bệnh, nắng nóng, càng khiến đời sống người dân đã khó càng thêm khó.
Đành rằng, mặt hàng xăng dầu hiện nay đã được chấp nhận cho vận hành theo cơ chế thị trường, bám sát giá xăng dầu thế giới, tăng cùng tăng - giảm cùng giảm, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề, việc điều chỉnh giá xăng dầu cần được tính toán một cách hợp lý để không xảy ra những tác động dây chuyền.
Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh giá xăng dầu có thể thông qua “công cụ” Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lâu nay, đã có nhiều ý kiến đề xuất xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này, song Nhà nước vẫn duy trì là để có công cụ kiểm soát, can thiệp giá. Thế thì vào những lúc khó khăn này, sao không “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu để giữ giá, qua đó trực tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp sức tiêu thụ nông sản, giảm chi phí vận tải và logistics.
Cùng với việc chấp nhận “xả” quỹ để kiểm soát giá, cơ quan quản lý có thể sử dụng thêm công cụ thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, các loại thuế, phí và ngoài thuế, phí đang chiếm tới 60% giá bán lẻ xăng dầu. Thuế cao nên doanh nghiệp càng khó giảm giá xăng dầu. Trong tình thế dịch bệnh hiện nay, có thể linh hoạt điều chỉnh thuế phí để kiểm soát giá, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội thì hoàn toàn hợp lý.
Giá xăng dầu tăng sẽ gây hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ khác đua tăng giá. Đây là điều người dân, doanh nghiệp rất lo lắng. Có thể khẳng định, để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo không đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh, cần đồng bộ các giải pháp, trong đó có vai trò rất quan trọng của công tác điều hành tốt giá cả. Điều hành giá cả tốt cũng sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.