Chiều 16-4, báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình Chính phủ và đồng tình với quy định nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng.
Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, Luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác như Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Phòng, chống rửa tiền..., do đó cần được nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với quy định tại các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong số các nội dung cụ thể, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng.
Loại ý kiến thứ hai không đồng tình và cho rằng quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình Chính phủ (như loại ý kiến thứ nhất) và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa ra TTCK và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô TTCK hiện tại.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến hơn 18% các công ty đại chúng đang hoạt động. Mặc dù vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo thuyết minh, làm rõ cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này.
Về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng, cơ quan thẩm tra đồng ý với ý kiến cho rằng, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tại dự thảo Luật phải được quy định chặt chẽ như phát hành lần đầu để bảo đảm chất lượng của cổ phiếu đưa ra TTCK, hạn chế rủi cho cho nhà đầu tư.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (quy định tại Khoản 2 Điều 27 của dự thảo Luật), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên TTCK.
Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm có mức vốn thấp, mức độ rủi ro cao, khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn của các ngân hàng nên thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của Luật, tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện và tránh ảnh hưởng chung đến TTCK, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.