Giải quyết nhanh từ việc nhỏ
Tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND phường Cô Giang (quận 1, TPHCM) mới đây, người dân phản ánh, tại một địa chỉ trên đường Võ Văn Kiệt thường xuyên bị lén đổ xà bần, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của các hộ dân ở gần đó.
Tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND phường Cô Giang Trần Trọng Nghĩa chỉ đạo bộ phận đô thị phường xử lý; đồng thời yêu cầu công an phường truy tìm người đổ xà bần để làm việc, xử lý triệt để tình trạng trên. Sau 2 ngày, Công an phường Cô Giang đã tìm ra người đổ xà bần và nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết không tái phạm.
Trước đó, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), vấn đề môi trường, thu gom rác cũng được người dân phản ánh rất nhiều và đề nghị giải quyết triệt để.
Ngoài việc chỉ đạo giải quyết ngay các phản ánh của người dân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc Nguyễn Yến Nhi yêu cầu UBND thị trấn công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh của người dân.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 TPHCM Hoàng Thị Tố Nga cho biết, căn cứ các chỉ thị, quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, hàng năm, Quận ủy quận 1 đều xây dựng và ban hành các kế hoạch, chương trình nhằm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp tổ chức chương trình đối thoại với người dân. Một trong những nội dung chính là Quận ủy quận 1 yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các các cấp phải nắm bắt và giải quyết triệt để những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
“Nhiều vấn đề tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương mà không giải quyết rốt ráo sẽ làm suy giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị. Vì vậy, quan điểm của Quận ủy quận 1 là phải giải quyết được những vấn đề nhỏ trước rồi mới đến những vấn đề lớn hơn”, đồng chí Hoàng Thị Tố Nga nhấn mạnh.
Kênh phản ánh tin cậy
Hiện nay, TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không còn tổ chức HĐND quận, phường, thì việc đối thoại trực tiếp giữa chủ tịch UBND quận, phường với người dân trên địa bàn càng phải được chú trọng. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, hội nghị đối thoại sẽ được tổ chức 2 lần trong năm, lần 1 trước ngày 5-6 và lần 2 trước ngày 5-11.
Tuy nhiên, nhận thấy hiệu ứng tích cực từ những hội nghị đối thoại, UBND quận 11 đã xin ý kiến người dân để tổ chức thêm các buổi đối thoại khác. Dự kiến quận sẽ tổ chức 4 đoàn lãnh đạo để tiếp xúc, đối thoại với người dân. Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho hay, mục đích của việc này là để chính quyền nắm bắt kịp thời, điều chỉnh hoạt động để phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Bùng, người dân ở quận 1, nhận xét, hiện nay có nhiều kênh để phản ánh đến chính quyền địa phương như phản ánh qua điện thoại, qua ứng dụng trực tuyến hoặc thông qua khu phố. Nhưng có những sự việc phản ánh chưa được xử lý triệt để. Người dân phản ánh hoài cũng nản, hoặc ngại phiền phức nên đành thôi, cứ vậy mà chịu ấm ức trong lòng. Khi đối thoại trực tiếp, hầu hết ý kiến đều được người có thẩm quyền tiếp nhận và trả lời tại chỗ. Nhiều việc được “truy” tới cùng trách nhiệm và có kết quả giải quyết sớm.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cũng chia sẻ, qua đối thoại giữa Chủ tịch UBND quận với người dân, quận đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân đối với từng việc cụ thể.
“Từ những phản ánh đó, những nội dung thuộc thẩm quyền, chúng tôi yêu cầu đích danh cán bộ phụ trách giải quyết và trả lời bà con. Đây cũng là dịp quận giao rõ trách nhiệm của cán bộ và người dân biết ai sẽ là người phụ trách chính, để có đánh giá, nhận xét năng lực làm việc của cán bộ trong quá trình phục vụ người dân”, ông Lê Đức Thanh cho biết.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện Bình Chánh với doanh nghiệp năm 2022 vừa diễn ra chiều 27-7, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam cũng khẳng định quan điểm tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ góp ý của các doanh nghiệp, tới đây huyện sẽ tổ chức thêm các hội nghị xúc tiến trong lĩnh vực giáo dục, du lịch, thương mại và nông nghiệp. Trong đó có việc xã hội hóa, đầu tư cho các chợ, siêu thị lớn, nâng chất hợp tác xã…
Thực hiện chính quyền đô thị, tại TPHCM không còn tổ chức HĐND quận, phường; từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Quận ủy các địa phương đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền quận, phường, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức các cuộc đối thoại với cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn. Các buổi tiếp xúc đối thoại diễn ra theo nhiều chủ đề tùy vào thực tiễn của địa phương. |