Mặt khác, nhiều hệ thống phân phối hiện đại còn chủ động bắt tay với nông dân, doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất sạch; đồng thời đảm bảo tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
Nông sản nội chất lượng cao
Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD. Đặc biệt hơn, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tăng ấn tượng trong bối cảnh diện tích sản xuất nông sản ngày càng thu hẹp. Điều này cũng chứng minh việc doanh nghiệp, nông dân hoàn toàn có thể sản xuất sản phẩm nông sản sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op (nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam sở hữu chuỗi hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers…), cho biết chỉ tính từ năm 2016 đến nay, thông qua đối tác NTUC Singapore, Saigon Co.op đã xuất khẩu lượng lớn nông sản sạch sang thị trường Singapore với tổng giá trị lên đến hơn 6 triệu USD. Những sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường trên cũng đang là sản phẩm bày bán khá phổ biến tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers…, như thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, khoai lang vàng, khoai lang tím, ớt chuông, bưởi Năm Roi, tôm sú hữu cơ, cá da trơn, gạo hữu cơ, hơn 10 mặt hàng thực phẩm công nghệ hữu cơ và đồ gia dụng cơ bản khác.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, thị trường Singapore tuy không phải là thị trường lớn như những thị trường truyền thống của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng đây cũng được xem là thị trường có những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Theo đó, một lô hàng nhập khẩu phải được Cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y AVA (trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore) xem xét, đánh giá từ hệ thống sản xuất và thực hành tại nguồn; đánh giá rủi ro và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; gắn thẻ các lô hàng, sản phẩm chính để theo dõi nguồn, ghi nhãn thực phẩm để tạo điều kiện thu hồi, kiểm tra sản phẩm sơ chế và thực phẩm chế biến tại các điểm nhập cảnh vào Singapore.
Có thể thấy, việc Saigon Co.op gia tăng sự hiện diện sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường Singapore đã khẳng định sản phẩm nông sản Việt Nam, dù đang bày bán tại hệ thống siêu thị trong nước hay nước ngoài, hoàn toàn có thể đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất của các thị trường khó tính trên thế giới. Vấn đề là cần có hướng đi đúng trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, cần có đảm bảo đầu ra an toàn cho người nuôi trồng để họ yên tâm sản xuất.
Tăng cường nhận diện sản phẩm sạch
Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, người tiêu dùng trong nước vẫn đang phải đối mặt với tình trạng sử dụng sản phẩm thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sản phẩm tại chợ truyền thống, chợ tạm hoặc tự phát. Thậm chí, nhiều người dân còn mua thực phẩm tại các quầy, kệ bày bán ngay trên vỉa hè, đường phố rất thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Số người tiêu dùng khác vẫn bị tâm lý muốn sử dụng hàng sạch nhưng giá phải rẻ, nên thường tìm mua sản phẩm tại các cửa hàng “tự xưng” là bán sản phẩm sạch.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Công ty gạo Trung An cho biết, đơn cử tại TPHCM, hàng ngàn cửa hàng bán sản phẩm sạch nhưng không biết sản phẩm bán có thực sự sạch hay không. Tình trạng loạn cửa hàng tự xưng bán sản phẩm sạch mà không có bất kỳ sự chứng nhận nào từ phía đơn vị có chức năng khiến người tiêu dùng bị rơi vào ma trận sản phẩm sạch trên thị trường. Còn đối với doanh nghiệp, thực trạng trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các đơn vị sản xuất sản phẩm sạch chân chính.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, ngụ chung cư Hoàng Anh Gia Lai (quận 7), chia sẻ hiện có rất nhiều trang mạng xã hội quảng cáo bán sản phẩm sạch, sản phẩm nhà tự trồng hoặc sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, organic. Những trang mạng này thường cung cấp sản phẩm dưới dạng hình ảnh rất bắt mắt, dễ lựa chọn. Cùng với đó, họ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến mãi hấp dẫn như mua hóa đơn 300.000 đồng thì được tặng thêm sản phẩm là rau sạch khác, được miễn phí giao hàng… Trong khi đó, nếu cùng sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn VietGAP, organic mua tại hệ thống siêu thị Lotte, Co.opmart sẽ có giá cao hơn khoảng 1/3 so với sản phẩm cùng loại trên các trang mạng xã hội. Đó cũng là lý do mà nhiều người tiêu dùng thường ưu tiên chọn sản phẩm tại các trang mạng xã hội, dù tính thực hư về chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm vẫn còn rất mơ hồ.
Về phía cơ quan chức năng, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, đơn vị này đang thắt chặt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hệ thống chợ đầu mối. Đây được xem là nguồn cung ứng sản phẩm thực phẩm vào thị trường TPHCM - thị trường tiêu thụ lớn nhất nước hiện nay. Những trường hợp cung ứng sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị phạt hành chính, đồng thời áp dụng biện pháp cấm cung ứng sản phẩm vào thị trường thành phố. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu với các tỉnh nhằm hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng nông nghiệp, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kết hợp giám sát toàn bộ quá trình trồng trọt nông sản theo những tiêu chuẩn quy định. Về phía doanh nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật canh tác cho nông dân. Riêng doanh nghiệp phân phối thì đảm trách khâu bao tiêu sản xuất nông sản sạch.
Không dừng lại đó, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hội này sẽ tổ chức chứng nhận sản phẩm an toàn đạt chuẩn hội nhập cho sản phẩm Việt. Những sản phẩm của các doanh nghiệp được hội chứng nhận đạt chuẩn hội nhập cũng sẽ được các cơ quan chức năng quản lý của các tỉnh/thành, các tổ chức quốc tế GMP+, FoodPLUS GmbH - tổ chức quản lý bộ tiêu chuẩn GlobalG.A.P… đồng chứng nhận. Giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm chi phí khi thực hiện chứng nhận sản phẩm liên quan đến quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, tăng cường nhận diện tại thị trường nội địa, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Để nâng cao hiệu quả cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nhất thiết người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo đó, nên chọn mua hàng tại những hệ thống phân phối uy tín, có chứng nhận và kiểm soát của các cơ quan chức năng. |