Tôi trồng được thì chị cũng được
Sáng sớm, trước khi ra công viên đánh cầu lông cùng nhóm bạn, bà Phạm Thị Kim Chi (ngụ phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) không quên mang theo mấy cây me con cùng 3 chậu xà lách xoong Nhật. Đây là những cây bà Chi và chồng ươm tặng bạn trong nhóm. Theo cách này, bà đã tặng rất nhiều cây con cho bạn bè, hàng xóm. “Mấy chị ấy thích trồng cây, nhưng không gian nhà nhỏ nên cứ chần chừ. Mình tặng cây con, các chị ấy có động lực trồng để thêm mảng xanh trong nhà”, bà Chi chia sẻ.
Trên sân thượng nhà cơ man nào là cây, hoa, rau củ quả, bà Chi cho biết, trước, bà chỉ trồng vài cây để có chút không khí mát mẻ, nhưng thời gian giãn cách do dịch Covid-19, bà có nhiều thời gian chăm chút hơn cho khu vườn. Bà Chi tận dụng chai, hộp, thùng để ươm, trồng rau củ. Nhờ đó, suốt mùa dịch, gia đình 4 người của bà không thiếu rau xanh. Nhờ “vườn rau” này mà vợ chồng bà Chi có niềm vui riêng, quên đi nỗi lo dịch bệnh.
Cũng từ vài cây xanh trồng cho mát, đến nay ông Lê Hồng Hải (ngụ phường 14, quận 10) phát triển thành một khu vườn đủ loại. Nhờ cách tính khoa học, tận dụng không gian và vật dụng tái chế, vườn cây của ông Hải nay xanh mướt, đầy đủ từ bonsai, hoa, rau củ, bầu, mướp, hành, ngò… Đây cũng là nguồn cung ứng rau xanh cho gia đình ông nhiều năm qua. Khi phát triển được vườn nhỏ trong nhà, ông Hải mong muốn các nhà khác cũng có rau xanh. Thế là khi có rau củ, ông lại mang tặng hàng xóm và chia sẻ cách trồng. Khi hàng xóm có ý định trồng, ông tặng cây con, hướng dẫn cách chăm sóc. Từ cách lan tỏa này, đến nay, con hẻm nhỏ nơi ông Hải sống, nhà nhà đều dành khoảng không để trồng cây.
“Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc và trồng cây xanh. Mỗi địa phương nơi Bác đến, có điều kiện là Bác lại tham gia trồng cây. Bác còn căn dặn, trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Nếu mình học tập Bác, mỗi người ý thức trồng 1 cây xanh, rồi gieo ý thức cho người khác thì không gian sống sẽ ngày càng xanh mát”, ông Hồng Hải chia sẻ.
Chuyển “điểm đen” rác thải thành vườn cây
Thời gian qua, cây xanh không chỉ có mặt trong hộ gia đình, mà nhiều không gian công cộng cũng được chuyển hóa thành mảng xanh. Từ ngày 3 khu đất trống dưới chung cư được xây lại thành khuôn viên trồng cây, có ghế đá, lát gạch sạch sẽ, bà Bùi Thị Phương Lâm (chung cư 1A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1) thường cùng các chị gần nhà ra hóng mát, quét dọn giữ gìn khu vực luôn sạch sẽ. Không chỉ vui vì có cây xanh mát mẻ để ngồi, bà Lâm còn mừng vì nhờ đó đã xóa được các điểm tù đọng rác, giúp không gian chung xanh mát, sạch đẹp hơn.
Hơn 2 tháng qua, cứ chiều chiều, bà Trần Thị Hạnh (chung cư AB Nguyễn Kim, phường 7, quận 10) lại đưa cháu xuống khu vui chơi dưới chung cư. Cháu chơi xích đu, cầu tuột, bà thì trò chuyện với các bà trong xóm và hít thở không khí trong lành. Lúc đi tới lui tập thể dục, thấy có lá cây lớn hay rác ai lỡ tay vứt thì bà nhặt bỏ vào thùng rác. “Từ khi khu vực được cải tạo, trồng cây xanh, nơi này mới được sạch sẽ, mát mẻ thế này. Chứ ngày trước, đây là khu đất trống, ai cũng tấp rác vào, rất nhếch nhác”, bà Hạnh cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 7, quận 10 Hoàng Đỗ Minh Thảo, sau khi xây dựng, để giữ gìn không gian xanh này, phụ nữ phường vận động các chị trong khu phố tham gia giữ gìn vệ sinh, chăm sóc cây. Dần dần gieo ý thức trồng cây và giữ gìn mảng xanh đến người dân.
Trên địa bàn quận 10 có nhiều chung cư cũ, Hội LHPN quận 10 cũng tổ chức nhiều chương trình vận động người dân trồng cây, sơn tường, quét dọn để tạo không gian sống xanh từ nhà ra khu công cộng. Bà Lê Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN quận 10, cho biết, hội còn tổ chức mô hình xây dựng tuyến hẻm xanh, sạch, an toàn; phát động phụ nữ phủ xanh mảng tường chung cư cũ, trồng rau xanh, xanh hóa điểm đen tại khu dân cư. Hội cũng thực hiện công trình trồng cây xanh, trái cây kiểng tạo mảng xanh đồng loạt từ quận đến cơ sở, từ đó trao cây xanh, hạt giống đến từng gia đình hội viên.
Hội LHPN TPHCM đã phát động phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và phong trào “Mỗi gia đình hội viên phụ nữ một cây xanh - Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh”. Sau thời gian phát động, nhiều gia đình đã tạo được mảng xanh không chỉ trong nhà mình mà còn nhân rộng ra các gia đình khác và khu vực công cộng. |