Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng về nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo, phục vụ cộng đồng, Đại học Quốc gia TPHCM cần được tự chủ nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn.
Vị thế tiên phong
Hiện Đại học Quốc gia TPHCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế như: 60 chương trình được đánh giá và công nhận đạt chuẩn (49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước), 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp đạt chuẩn kiểm định CTI, 2 chương trình đạt chuẩn FIBAA và ACBSP, 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ.
Về cấp trường, Đại học Quốc gia TPHCM đã có 6 trường đại học thành viên tham gia đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT, 2 trường đại học đã đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo AUN-QA (Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Quốc tế). Riêng Trường Đại học Bách khoa đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES) ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.
Về xếp hạng, từ năm 2013 đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM luôn được xếp trong tốp 150 trường tốt nhất châu Á (theo bảng xếp hạng QS Asia) và trong nhóm 701-750 đại học tốt nhất thế giới (theo QS World năm 2018 và 2019). Đặc biệt, mới đây Đại học Quốc gia TPHCM đứng vào tốp 1.000 đại học tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education (Anh quốc)…
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết để Đại học Quốc gia phát triển mạnh hơn nữa về mọi mặt, Chính phủ cần nghiên cứu để có thêm những cơ chế cho Đại học Quốc gia.
Trong đó, vấn đề tự chủ đại học là hàng đầu để thí điểm tự chủ của các trường đại học thành viên theo 2 nhóm (nhóm 1: tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; nhóm 2: tự chủ phần lớn chi thường xuyên); thành lập các trường trực thuộc; được bố trí vốn ngân sách nhà nước đúng kế hoạch; được vay vốn ưu đãi...
Các bộ ngành tập trung tháo gỡ
Tại buổi làm việc giữa cán bộ chủ chốt của Đại học Quốc gia TPHCM với đoàn công tác Chính phủ, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Đối với dự án vay vốn ưu đãi khoảng 300 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng cho 3 khu đô thị đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng), Đại học Quốc gia TPHCM nên chủ động tách riêng để tiến hành vay 100 triệu USD thì sẽ dễ dàng hơn là gộp chung với 2 đại học trên.
Về vấn đề thành lập các trường thành viên, Đại học Quốc gia TPHCM được tự quyết vì trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung đã có quy định cụ thể. Khi có nghị định hướng dẫn thi hành luật thì Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM được ký quyết định thành lập các trường trực thuộc.
Liên quan đến vấn đề vốn ngân sách nhà nước, TS Võ Thành Thông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết: Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, Đại học Quốc gia TPHCM còn hơn 660 tỷ đồng chưa giải ngân. Số tiền này sẽ giải quyết trong năm 2020.
Đặc biệt, năm 2020 bộ sẽ trình Thủ tướng bố trí 1.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020) cho Đại học Quốc gia TPHCM triển khai hoàn thiện các khâu của dự án.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Qua thực tế, trong 3 dự án khu đô thị đại học thì Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM gần như đã thành hình. Do đó, Chính phủ sẽ quyết tâm đầu tư để hoàn thành mục tiêu.
Các bộ, ngành phải xem xét và giải quyết nhanh các đề xuất kiến nghị. Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng khẳng định tự chủ đại học là tất yếu; trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để các cơ sở giáo dục đại học phát triển.
Tuy nhiên, việc thành lập các đơn vị trực thuộc, trường thuộc trường, Đại học Quốc gia TPHCM phải quán triệt các đơn vị mới tự chủ về đầu tư, chi thường xuyên, chứ không thể bám vào ngân sách được.
Tự chủ là tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để chủ động phát triển, giảm hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Và khi tự chủ, hội đồng trường phải mạnh, phải có thực quyền thì mới phát huy hết hiệu quả để có những mục tiêu, chiến lược phát triển khoa học.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đề xuất 3 giải pháp để đại học Việt Nam đứng vào tốp 100 các trường đại học châu Á hoặc tốp 500 các trường đại học hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới. Thứ nhất, Nhà nước cần có chiến lược ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học đã có tên trong bảng xếp hạng, thông qua chính sách đặt hàng đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể như chính sách đặt hàng để đào tạo các ngành khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn cho các trường đại học để xây dựng lực lượng khoa học trẻ, thực hiện các nghiên cứu đột phá. Thứ hai, cam kết về tự chủ cho các trường đại học, trong đó quan trọng nhất là tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức và tự chủ tài chính. Thứ ba, các trường đại học tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên giỏi, nhất là giảng viên nước ngoài; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu. |