Thông qua sự kiện này, EEF và BoT mong muốn sẽ thúc đẩy hợp tác để giúp sinh viên hiểu biết thêm về các kiến thức liên quan đến tài chính. Đây là một phần trong mục tiêu chung nhằm đạt được sự phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư vào tài sản lớn nhất của quốc gia, đó là con người.
Theo báo Thái Lan The Nation, việc nuôi dưỡng những lao động có tay nghề cao và hiểu biết về tài chính được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực đạt được sự phát triển kinh tế bền vững của Thái Lan, cũng như giúp nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. BoT cũng sẽ hỗ trợ đào tạo các sinh viên nhận học bổng về kế toán cơ bản, quản lý nợ và rủi ro, cũng như các kiến thức tài chính khác như thuế và xác định các trường hợp gian lận trực tuyến. Bên cạnh đó, BoT và EEF cũng sẽ hợp tác nghiên cứu để tìm ra những cách tốt hơn nhằm cải thiện toàn bộ hệ thống giáo dục của Thái Lan, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng và nâng cao trình độ một cách hiệu quả nhất.
Trợ lý thống đốc BoT, bà Chayawadee Chai-anant nhấn mạnh sự hợp tác này là một bước tiến nữa cho chiến lược tăng cường hệ thống giáo dục của đất nước. Trong 30 năm qua, BoT đã cấp học bổng cho nhóm trẻ em dễ bị tổn thương để các em hoàn thành bậc THCS.
Bà Chayawadee cho rằng, vì trình độ kiến thức đó không đủ để họ nuôi sống bản thân và gia đình nên BoT sẽ trao học bổng cho những sinh viên theo học bậc cao hơn. Học bổng sẽ được cấp cho sinh viên theo học nghề hoặc trợ lý điều dưỡng. Khoản học bổng bao gồm chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng như học phí.
Theo một nghiên cứu của BoT, 58% thanh niên Thái Lan khi nhận công việc đầu tiên đã mắc nợ và phần lớn trong số đó có các khoản nợ khó đòi. Do vậy, bà Chayawadee nhấn mạnh điều quan trọng là cung cấp cho sinh viên kiến thức về tài chính.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành EEF, Tiến sĩ Kraiyos Patrawart giải thích rằng, học bổng do BoT hỗ trợ sẽ có hai hình thức. Hình thức thứ nhất sẽ kéo dài trong 5 năm và sẽ dành cho 30 sinh viên học nghề cho đến khi họ có được chứng chỉ nghề. Hình thức thứ hai sẽ được trao cho 30 sinh viên đăng ký học lấy bằng tốt nghiệp trợ lý điều dưỡng một năm. Một trong những rào cản mà học sinh Thái Lan phải đối mặt là các em không đủ khả năng để tiếp tục đi học sau khi tốt nghiệp THCS. Ngay cả khi các em xoay xở để vào trường dạy nghề thì cũng phải đối mặt với nguy cơ bỏ học cao. Điều này không chỉ loại bỏ cơ hội kiếm thu nhập cao trong tương lai cho các em, mà còn khiến Thái Lan rơi vào bẫy thu nhập trung bình do giảm nguồn lao động lành nghề.
Hiện tại, EEF sử dụng cả quỹ công và quỹ tư nhân để hỗ trợ tiền mặt cho hơn 1,3 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp trên khắp Thái Lan, với mục tiêu giảm số lượng học sinh bỏ học. Theo dữ liệu của EEF, có khoảng 1,9 triệu trẻ em trong số 9 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học có thể được phân loại là nghèo và rất nghèo.
Dự báo của The Nation cho biết, từ nay đến năm 2080, nếu tình hình giáo dục không được cải thiện, số trẻ em nghèo thất học nói trên sẽ khiến nền kinh tế trì trệ, lực lượng lao động thiếu tay nghề cao có thể gây thiệt hại 309 tỷ USD, tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội.