Mức đầu tư năm sau cao hơn năm trước
Theo Bộ VH-TT-DL, không ít công trình thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua đã được một số địa phương đầu tư xây dựng với quy mô, tầm vóc lớn. Nhận định “thiếu và yếu” về hệ thống thiết chế ở nhiều nơi đã không còn chính xác, khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao thậm chí được xem như chỉ dấu mang tính biểu tượng của địa phương, có kinh phí đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng.
Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Giang, ông Trương Quang Hải cho biết, quan điểm tăng cường đầu tư phát triển văn hóa được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chú trọng với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, hài hòa. Đầu tư ngân sách nhà nước cho văn hóa năm sau cao hơn năm trước; nhiều công trình, thiết chế văn hóa, thể thao quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu thời đại và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân đang dần hiện hữu, trở thành những điểm nhấn văn hóa, kiến trúc trên địa bàn… Tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch, xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao trọng điểm như nhà thi đấu thể thao tỉnh, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Đây là 2 công trình sẽ tạo thành một quần thể thiết chế hiện đại, đa chức năng, là “điểm hẹn” của đông đảo người dân với các nhu cầu xem phim, triển lãm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình thi đấu và luyện tập thể thao…
Tương tự, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở ở Quảng Ninh cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao có bước chuyển biến.
“Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cùng một số di tích quốc gia đặc biệt...”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh chia sẻ.
Chú trọng hệ giá trị văn hóa, con người
Hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xác định rõ tầm quan trọng này, hiện, một số địa phương như Quảng Ninh cũng đã đổi mới tư duy, nhận thức, định vị lại giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, “điểm nghẽn” để tìm cách hóa giải, tìm cơ hội trong khó khăn thách thức, định hình phương thức phát triển mới chú trọng đổi mới tư duy phát triển, mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như phương châm “5 thật”, “6 dám”; “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở… là những cách làm thiết thực đang triển khai, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Cùng chung nhận định này, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hải Dương cho biết, địa phương có nhiều chương trình nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cùng ý chí và khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nhiều cách làm sáng tạo đã được triển khai như rà soát, xây dựng mô hình tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa bền vững…
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Giang, đầu tư xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
“Là vùng đất cổ, nơi “địa linh nhân kiệt”, những yếu tố về lịch sử, văn hóa, điều kiện địa lý, địa hình và sự cộng cư của nhiều thành phần dân tộc đã tạo cho Bắc Giang có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc; vừa mang những giá trị văn hóa, phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, vừa mang những nét đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Giang”, ông Đỗ Tuấn Khoa nhấn mạnh.