Dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại
Sau hơn 2 năm xảy ra dịch tả heo châu Phi, cho tới nay, hoạt động chăn nuôi heo ở nước ta vẫn còn rất khó khăn để quay trở lại “thời hoàng kim” vì mầm mống dịch vẫn còn tồn tại. Vì vậy, giá thịt heo bán trên thị trường vẫn chưa thể giảm xuống tới mức như mong muốn. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả heo đã tái phát ở nhiều địa phương như Hà Nội, Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam… Nhiều nơi phải khẩn trương tổ chức tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh để cô lập ổ dịch. Điều may mắn là dịch chỉ bùng phát ở quy mô nhỏ lẻ.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký công văn khẩn yêu cầu tạm dừng nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam kể từ ngày 30-6 cho tới khi cho phép trở lại. Nguyên nhân là do vừa qua, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu phát hiện đàn heo gần 1.000 con từ Thái Lan nhập vào Việt Nam có virus gây dịch tả heo châu Phi.
Cùng lúc, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Campuchia vừa có lệnh tạm dừng nhập khẩu heo sống từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo từ Việt Nam sang Campuchia. Điều này cho thấy, Việt Nam cần phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dứt điểm loại dịch bệnh này nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, tạo tâm lý tin tưởng cho người chăn nuôi tái đàn, đồng thời tạo nguồn cung ổn định cho thị trường thực phẩm, kiểm soát giá cả.
Hướng đi mới và lạc quan
Để kiểm soát dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam, năm 2020, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt 3 đề án có liên quan. Trong đó, 2 đề án đáng chú ý là nghiên cứu vaccine để ngăn ngừa, điều trị dịch tả heo và nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. Sau 17 tháng triển khai đề án “Nghiên cứu khả năng kháng tự nhiên đối với dịch tả heo châu Phi”, các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã sàng lọc từ 1.000 con heo sống sót sau các ổ dịch tại 3 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn cả nước. Đến nay, kết quả cho thấy, có những cá thể heo nái sinh sản tới lứa thứ 4 vẫn còn nguyên kháng thể với dịch tả heo châu Phi (tức là miễn nhiễm). Trong một số trường hợp, kháng thể này còn tồn tại đến khi heo đạt 12 tháng tuổi.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Trưởng khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), thực tế này có thể nêu ra giả thuyết là có hay không đàn heo có khả năng kháng dịch tả heo châu Phi, mang gene kháng dịch tả heo và khả năng sống sót do quá trình miễn dịch cộng đồng hoặc nhờ có các biện pháp chăn nuôi mang lại. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Trọng khẳng định: “Trong điều kiện chúng ta vẫn chưa thể có vaccine cho dịch tả heo châu Phi thì đây là kết quả đáng mừng để có đàn heo với sức đề kháng tự nhiên tốt truyền lại cho những thế hệ heo được sinh ra sau đó mà 6-7 tháng sau vẫn còn kháng thể với virus”.
Cũng theo ông Trọng, cùng với các biện pháp mang tính chủ động về phòng chống dịch tả heo (như tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, nghiên cứu vaccine và sớm tiêm phòng…) thì thành công trong chọn giống vật nuôi kháng bệnh đang là tín hiệu vui cho người chăn nuôi và mở ra hướng đi mới khi triển khai chương trình phòng chống dịch tả heo châu Phi ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải triển khai cùng lúc “3 mũi giáp công” để ngăn chặn, không để dịch tả heo châu Phi tái phát như các năm 2019-2020, gồm: chăn nuôi an toàn sinh học, nghiên cứu vaccine và chọn tạo giống. Về sản xuất vaccine, Bộ NN-PTNT giao cho Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) nghiên cứu, đã qua 5 lần thử nghiệm, đến nay chỉ còn công đoạn khảo nghiệm và kiểm nghiệm. Nếu thuận lợi thì cuối quý 3-2021 sẽ công bố sản xuất và thương mại.
Hiện nay, nhờ dịch tả heo được kiểm soát nên đàn heo đã phục hồi được 90% so với trước khi có dịch. Giá heo xuất chuồng ở các địa phương đã giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo hơi vẫn ở mức cao (64.000 - 72.000 đồng/kg). Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đang tìm giải pháp giảm giá heo hơi, không để xảy ra tình trạng giá thịt heo (móc xẻ) neo ở mức cao khi nguồn cung dồi dào. |