Tăng đàn, mở rộng vùng nuôi
Năm 2018, tổng đàn heo cả nước có trên 28 triệu con, riêng đàn heo nái gần 4 triệu con, sản lượng 3,82 triệu tấn thịt. Do tình hình DTHCP diễn biến rất phức tạp thời gian qua, đàn heo đã giảm 5,5 triệu con, gây mất cân đối cung - cầu. Hiện ngành chăn nuôi đang tái cơ cấu, theo hướng chuyển dịch phát triển đàn gia cầm để tăng nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2019, đàn gia súc tăng trưởng xấp xỉ 3%, giá trị sản lượng tăng gần 4%. Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 10%, hy vọng 4 tháng cuối năm tăng trưởng được 13%. Tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17% - 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua 3 năm đạt 6,83%.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xác định rằng trước tiên cần duy trì cơ cấu tái đàn; sang năm 2020, phát triển những vùng mới như mở rộng chăn nuôi gà ở vùng Tây Nguyên, tăng từ 7% lên 20%; chăn nuôi vịt mở rộng sang vùng trung du miền núi phía Bắc lên 15% và duyên hải miền Trung lên 31%.
Phát triển đàn gà lông màu, thả vườn; sản lượng thịt gà lông màu lên 60% vào năm 2020; duy trì ổn định đàn gà công nghiệp lông trắng. Tổng đàn thủy cầm đạt 100 triệu con vào năm 2020, trong đó vịt đẻ trứng lên 40 triệu con; sản lượng thịt chiếm 30% tỷ trọng thịt gia cầm.
Bài học từ dịch cúm gia cầm
Kể từ khi xảy ra dịch cúm gia cầm hơn 10 năm trước, ngành chăn nuôi gia cầm đã thay đổi hoàn toàn, từ chăn nuôi nông hộ chuyển sang mô hình công nghiệp, tập trung vào chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH).
Ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm đã đầu tư với những giải pháp căn cơ, tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu sang một số nước. Ngành chăn nuôi heo chuyển sang mô hình nuôi trang trại, liên kết để tạo chuỗi khép kín là xu hướng tất yếu. Hiện nay, chăn nuôi heo ATSH thực hiện theo chuỗi liên kết gồm: doanh nghiệp - trại chăn nuôi gia công, hoặc doanh nghiệp - hợp tác xã - nông hộ.
Nhiều công ty chăn nuôi quy mô trang trại chỉ dùng biện pháp ATSH, không dùng kháng sinh, cũng là cách làm hiệu quả phòng chống bệnh DTHCP.
Đơn cử, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) đã thực hiện các biện pháp ATSH như cô lập, cách ly kết hợp vệ sinh sát trùng khu chăn nuôi; các phương tiện khi ra vào xí nghiệp phải đảm bảo xe đã được vệ sinh, sát trùng trước đó khoảng 12 giờ và khi vào trang trại tiếp tục được sát trùng, chờ thêm 30 phút; trang bị dung dịch sát trùng bàn tay và đôi ủng mang riêng trong mỗi dãy chuồng.
Tăng cường diệt chuột và ruồi hàng tuần, thực hiện nhà lưới chống côn trùng lây bệnh. Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam hỗ trợ khách hàng, đại lý và các hộ chăn nuôi xây dựng vành đai an toàn cụm chăn nuôi, cung cấp cám sạch, heo giống không bệnh.
Trước các yếu tố trung gian có thể mang mầm bệnh như con người, phương tiện, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho xe của khách hàng mua heo. Xe chở heo từ trại ra, xe chở thức ăn… phải đi cổng khác nhau. Con người phải cách ly vài ngày mới được tiếp xúc với đàn heo.
Ngoài mô hình ATSH, để nâng cao sức đề kháng, theo bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần đưa thêm chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn, trong khâu phun sương và trộn vào đệm lót sinh học để tăng cường đề kháng.
Để thực hiện đồng loạt chăn nuôi ATSH, các địa phương cần rà soát, đánh giá và tham mưu để Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tiêm phòng các bệnh có vaccine.
Các địa phương cần đưa vào áp dụng hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến để kịp thời xử lý các ổ dịch, phục vụ công tác giám sát tránh bị động. Bên cạnh đó, xây dựng mới, củng cố lại hệ thống phòng phân tích về chăn nuôi - thú y, an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế.