Tham dự buổi gặp gỡ có 13 tân đại sứ, 6 tân tổng lãnh sự và Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.
Báo cáo tại cuộc gặp, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết từ năm 2017 đến nay, ITPC đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu và các chương trình xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào TPHCM. Cụ thể, ITPC đã tổ chức trên 150 hoạt động xúc tiến ngoại thương tại thị trường các nước gồm khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm, tổ chức trên 100 hoạt động kết nối (B2B) giữa doanh nghiệp với các tập đoàn bán lẻ quốc tế.
Trong đó, ITPC tổ chức trên 50 hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm, 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên và 7 chương trình đột phá của thành phố. ITPC cũng xây dựng điểm đến tìm hiểu môi trường đầu tư - kinh doanh và các dự án đầu tư tại vị trí 92-96 Nguyễn Huệ, quận 1, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng khi tìm hiểu các dự án và môi trường đầu tư tại TPHCM.
Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS) của ITPC cũng đã cung cấp thông tin thị trường, sản phẩm, ngành hàng, môi trường và nhiều dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hiện đã có 749 tài liệu về thị trường, kỹ năng quản trị kinh doanh, báo cáo 68 sản phẩm thuộc 21 ngành hàng ứng với từng thị trường, bài viết song ngữ Việt - Anh cập nhật kịp thời các thông tin về pháp luật, thị trường trong và ngoài nước…
Trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp. Ông Phạm Thiết Hòa mong các tân đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam tại các nước lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để hỗ trợ ITPC tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp cũng đã trao đổi với các tân đại sứ, tổng lãnh sự về những thị trường doanh nghiệp đang quan tâm, gửi gắm nhu cầu tìm hiểu thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh, kỳ vọng các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tìm kiếm các cơ hội hợp tác làm ăn, nhất là ở các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Theo các tân đại sứ, tổng lãnh sự, những trao đổi của doanh nghiệp là cơ sở để các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, tìm cơ hội đầu tư, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế trong nước.