Chiều 7-10, Tổng cục Hải quan thông tin tới báo chí, do ảnh hưởng kéo dài của chính sách “zero Covid”, những tháng qua, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ ở biên giới phía Bắc liên tục sụt giảm.
Lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu theo hình thức nhỏ giọt và thường rơi vào trạng thái bị động theo thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc, mặc dù các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, triển khai vùng xanh, vùng đệm tại các cửa khẩu đã được các địa phương triển khai.
Trong 2 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn.
Trong khi đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Căn cứ nhu cầu, kiến nghị của một số doanh nghiệp, có thể thấy xu hướng phát triển của vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế là tất yếu. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị cần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.
Cơ quan hải quan cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường sắt cũng là chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt để xử lý ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ trì làm việc Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đồng thời triển khai khảo sát tại ga Kép, ga Sen Hồ ở tỉnh Bắc Giang, nghiên cứu khả năng bố trí, sắp xếp lực lượng hải quan tại các ga này nếu được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để đảm bảo thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cần đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng lên. Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị nhanh chóng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên (mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng). Trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép ở tỉnh Bắc Giang và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng thành ga liên vận quốc tế. Đồng thời cho phép các đơn vị ngoài Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.