Nợ thuế gia tăng
Cuối tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM ra quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Công ty TNHH phát triển quốc tế Thế kỷ 21. Số tiền bị cưỡng chế lên đến hơn 6.700 tỷ đồng. Đây là con số bất ngờ vì nợ thuế khủng. Thật ra, công ty này đã bị bêu nợ thuế từ 2 năm trước: tháng 3-2022, Chi cục Thuế TP Thủ Đức đã ban hành cưỡng chế hơn 5.491 tỷ đồng tiền thuế đối với các khoản sử dụng đất và thuê đất, vì liên tục chây ì không nộp thuế. Trong khi đó, danh sách công bố hồi cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil nợ hơn 1.700 tỷ đồng. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và bắt giam hàng loạt cán bộ của công ty.
Vì nợ thuế ngày càng nhiều nên thời gian qua, liên tiếp có các thông tin về những biện pháp mà ngành thuế thực hiện nhằm cưỡng chế, thu hồi nợ thuế. Chẳng hạn, nhiều lãnh đạo các công ty nợ thuế bị cấm xuất cảnh; hàng loạt doanh nghiệp bị “bêu tên” nợ thuế, hay bị ngừng sử dụng hóa đơn…
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế và 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế với tổng số tiền 24.252 tỷ đồng. Trong thời gian này, ngành thuế thu nợ gần 45.500 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là hơn 42.700 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là hơn 2.700 tỷ đồng. Tính chung đến thời điểm 30-6, tổng nợ thuế là hơn 204.400 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 31-12-2023. Ước tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2024 là 13,8%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 9,97%.
Tổng cục Thuế đánh giá, tổng nợ thuế và tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn ở mức cao, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Nhiều địa phương có nợ thuế tăng cao, việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy trình ở một số đơn vị còn chậm, muộn, chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan thuế...
Tính riêng tại TPHCM, tổng số tiền nợ thuế tính đến hết ngày 30-6 là gần 61.600 tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024. Số nợ này giảm 1,2% so với thời điểm 31-5, nhưng tăng 14,6% so với cùng kỳ 2023, và tăng tới 22% so với thời điểm 31-12-2023. Ngành thuế TPHCM đánh giá, gần 31.000 tỷ đồng là nợ có khả năng thu và hơn 17.200 tỷ đồng nợ khó thu. Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM lý giải việc tiền thuế nợ tăng cao so với thời điểm 31-12-2023 chủ yếu là do các khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là các khó khăn, vướng mắc về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn chưa được tháo gỡ. Thêm vào đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nhất là tín dụng ngân hàng, khiến tiền nợ thuế tăng cao. Tuy nhiên, so với tháng trước liền kề, tình hình nợ thuế tháng 6-2024 đã có dấu hiệu giảm.
Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, thường xuyên công khai danh sách nợ thuế với số nợ từ vài triệu đồng đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Trước khi công bố, cơ quan thuế đã áp dụng một số biện pháp cưỡng chế. Cụ thể như trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phong tỏa tài khoản; ngừng sử dụng hóa đơn; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ… Với các doanh nghiệp nợ thuế có lãnh đạo bị bắt giam thì việc thu hồi nợ thuế sẽ thực hiện theo phán quyết của tòa án.
Chuẩn hóa dữ liệu
Nhằm đẩy mạnh giải pháp thu thuế, 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TPHCM đã ban hành 66.018 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền thi hành cưỡng chế là 512.004 tỷ đồng; thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 2.766 trường hợp cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế; công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với 1.196 người nộp thuế nợ thuế... Nhờ đó đến hết tháng 6-2024, số nợ thu được là 21.581 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, ngành thuế sẽ tăng cường rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền thuế nộp thừa, giải quyết hồ sơ trong các trường hợp chênh lệch số liệu; theo dõi tiến độ, triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định; công khai trên phương tiện thông tin danh sách các doanh nghiệp chây ì nợ thuế.
Đặc biệt, ngành thuế TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ; xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, bên cạnh việc chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, ngành thuế sẽ đặc biệt xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, kiến nghị thu hồi đất đối với các trường hợp đã cưỡng chế nhưng vẫn chây ì, không chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đồng thời, đôn đốc thu kịp thời đối với khoản tiền thuế, tiền thuê đất khi hết thời gian gia hạn. Điện tử hóa, số hóa cũng được ngành thuế coi là giải pháp quan trọng, áp dụng trong tất cả các khâu quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ; xây dựng ứng dụng kiểm soát nợ thuế hàng ngày, hàng tháng.