Tăng cường vận chuyển rau quả từ miền Nam ra miền Bắc

Chiều 11-9, một số siêu thị, trung tâm thương mại, cho biết đang cấp tập bổ sung, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhất là rau củ quả các loại từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc.

Bà con chọn mua thực phẩm tại hệ thống Co.opmart khu vực miền Bắc. Ảnh: NGỌC TRANG
Bà con chọn mua thực phẩm tại hệ thống Co.opmart khu vực miền Bắc. Ảnh: NGỌC TRANG

Ghi nhận từ các hệ thống siêu thị, lượng khách tập trung mua nhiều đối với nhóm hàng hóa thiết yếu như rau xanh, thịt, cá, gạo, mì gói… Sức mua một số mặt hàng khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại tại các siêu thị khu vực phía Bắc tăng 50%-80%.

Hệ thống MM Mega Market tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày (tương đương 16 tấn rau củ quả). Ngoài ra, trong ngày hôm nay, chuyến xe cứu trợ đầu tiên vận chuyển 1.000 thùng mì và 300 thùng nước khoáng (500mlx24 chai) từ Thăng Long (Hà Nội) lên Lạng Sơn.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối Ngoại MM Mega Market Việt Nam, cho biết một số địa phương phía Bắc tiếp tục có mưa, quá trình vận chuyển hàng hóa đến khách bị ảnh hưởng do đường sá bị ngập lụt, khó di chuyển... Tuy vậy, hệ thống đã tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc nhằm ổn định việc cung ứng vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho bà con.

NTD mua hàng thiết yếu.jpg
Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market khu vực miền Bắc. Ảnh: TRUNG KIÊN

Trước đó, MM Mega Market đã tập trung mạnh vào việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín với 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (Depot) nên trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc. Thêm nữa, hệ thống còn có xe tải nhỏ giao hàng tại các cảng có khả năng vận chuyển hàng đến những khu vực lân cận.

Về phía Co.opmart, tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, siêu thị linh động dành sảnh siêu thị để người dân đến sạc điện thoại và được phục vụ nước uống miễn phí. Siêu thị cũng mở cửa đón người dân đến trú tránh bão lũ. Chương trình Co.op Cares cũng trao 1.000 phần cho những hoàn cảnh khó khăn tại 3 địa phương nói trên. Mỗi suất gồm các sản phẩm nhu yếu phù hợp với tình hình thực tế như nước uống đóng chai, thịt hộp, cá hộp, bánh ngọt, sữa… đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Co.opmart miền Bắc đảm bảo hàng hóa đầy đủ, vệ sinh an toàn thực phẩm (3).jpg
Người tiêu dùng chọn mua bắp cải tại hệ thống Co.opmart miền Bắc. Ảnh: NGỌC TRANG

Co.opmart khu vực miền Bắc phối hợp cùng Trung ương hội Chữ thập đỏ vận chuyển hàng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở. Tại những địa phương có Co.opmart trú đóng, nhân viên Co.opmart sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể tham gia các chuyến cứu trợ cho các hộ dân.

Trả lời về nguồn cung rau xanh hằng ngày cho bà con, đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị, cho hay đang nỗ lực nguồn cung, đưa hàng về các tỉnh phía Bắc. Ví dụ, Saigon Co.op (sở hữu chuỗi Co.opmart, Co.op Food…) đã đặt hơn 200 tấn rau củ từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Lâm Đồng, Đồng Nai…) và vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc.

Co.opmart Buôn Hồ soạn hàng cho chuyến cứu trợ của cho các cơ quan ban ngành.jpg
Hàng hóa tại Co.opmart Buôn Hồ (Đắk Lắk) chuẩn bị được chuyển đi cho các chuyến cứu trợ của các ban ngành. Ảnh: NGỌC TRANG

Thêm nữa, Saigon Co.op tăng lượng hàng dự trữ cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để Trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa…

Nhờ vậy, mặc dù một số vùng đang bị ngập úng, nhưng Saigon Co.op vẫn đảm bảo đường vận chuyển thông suốt từ toàn quốc đến Trung tâm phân phối miền Bắc và từ Trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food

Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như BigC, GO!, WinMart, WinMart+, WIN… cũng tăng cường vận chuyển rau xanh từ các tỉnh thành khu vực phía Nam ra miền Bắc do một số trang trại trồng rau ở miền Bắc bị ngập úng… Mức giá bán ra có nhiều khuyến mãi, ưu đãi tốt nhất cho người tiêu dùng.

Khách hàng tính tiền tại quầy thuộc hệ thống AEON Mall khu vực miền Bắc.jpg
Khách hàng tính tiền tại quầy thuộc hệ thống AEON Mall khu vực miền Bắc. Ảnh: AEON cung cấp

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua Khu vực miền Bắc và miền Trung AEON Việt Nam, trong ngắn hạn, bão số 3 có thể gây những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, nhất là với mặt hàng tươi sống. Cụ thể, đối với các mặt hàng rau củ quả, mưa lớn làm cho cây trồng hoa màu bị dập nát và úng ngập nước. Đối với các mặt hàng đánh bắt ngoài biển, do biển động nên có ảnh hưởng gây khó khăn tới việc đánh bắt xa bờ.

“Tuy nhiên, AEON Việt Nam vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, vận chuyển rau từ Lâm Đồng và một số tỉnh phía Nam ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân”, bà Trần Thu Quỳnh cho biết.

Tin cùng chuyên mục