Ngày 27-9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Đây là tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…
Điều chỉnh các giải pháp phòng chống dịch
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset nhận định, trước tác động mạnh mẽ của lần bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19, Việt Nam từ nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao của thế giới trong năm 2020, đã xuống nhóm có mức tăng trưởng trung bình. Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Việt Nam là 4,8%, trong khi các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP cao nhất là 7,6%, khu vực Nam Á có mức tăng là 7,3%, các quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới cũng có mức tăng GDP trung bình khoảng 6,8%.
Chỉ ra 5 yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo chỉ đạt mức trung bình, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra 4 đề xuất. Trong đó, “hạn chế đi lại thông minh hơn sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế”. Theo chuyên gia này, cần đơn giản hóa và điều phối hợp lý các quy trình, “không thể đã bảo đảm kiểm soát được khu vực biên giới mà vẫn cần tới 5 tuần để xử lý các thủ tục hành chính trước khi phê duyệt cho nhập cảnh”.
Cùng quan điểm với nhiều ý kiến tại tọa đàm về những hệ lụy của một số chính sách trong quá trình chống dịch Covid-19 như thực hiện mô hình “zero Covid” quá dài, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: "Rất mừng là Thủ tướng đã khẳng định phương châm sống chung an toàn với Covid-19, nhưng hiện các địa phương vẫn thực hiện rất khác nhau”. TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng bày tỏ lo lắng về những chính sách vô hình trung tạo ra những khoản “tô” (lợi ích) khổng lồ. Chẳng hạn, khi khoá cứng các chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chỉ cho siêu thị hoạt động thì khoản "tô" mà siêu thị nhận được sẽ rất lớn. Bất hợp lý là ở chỗ những người yếu thế (người nghèo, người không có việc làm, nông dân và người buôn bán nhỏ lẻ…) lại phải chịu cảnh không tiêu thụ được sản phẩm làm ra và phải mua hàng hoá thiết yếu với giá cao.
“Tôi cho rằng, phân cấp, phân quyền là quan trọng, nhưng ở thời điểm này, phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, TS Nguyễn Sĩ Dũng bức xúc.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản "tô" bất hợp lý cho nền kinh tế. Ở đây có vai trò của Quốc hội trong giám sát và quản trị rủi ro. Và để đảm bảo tính kịp thời khi mỗi năm Quốc hội chỉ họp có hai lần, TS Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị tăng cường hoạt động giải trình ở các uỷ ban của Quốc hội. TS Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu: “Rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng chưa thể giải trình với công chúng thì hãy giải trình minh bạch với Quốc hội. Đây là điều hết sức quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.
Cần thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp
Đây là khuyến nghị được đưa ra bởi TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. TS Cấn Văn Lực cho biết, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2020, Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020, rất nhỏ so với thế giới. Hơn nữa, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa mới đạt khoảng 46% giá trị và gói an sinh xã hội mới đạt khoảng 63% là rất chậm, ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong các chính sách hỗ trợ tài khóa của năm 2021, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng đã được UBTVQH thông qua, cần gia hạn một số chính sách hỗ trợ hiện tại ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2-2021), đồng thời xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng, chưa kể phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68…
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM: Phục hồi, phát triển kinh tế theo 3 giai đoạn TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, các nghiên cứu và thảo luận chính sách hiện nay đều nhận định, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của 3 nhóm rủi ro chính. Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kể cả ở những quốc gia đã làm chủ công nghệ vaccine, tham gia chuỗi cung ứng vaccine hay có tỷ lệ tiêm vaccine cao (như Mỹ, Ấn Độ, Anh…). Thứ hai, cạnh tranh địa chính trị diễn ra phức tạp. Thứ ba, nhóm rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và rủi ro nợ. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu tại toạ đàm Trong nước, theo Viện trưởng CIEM, những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong những tháng đầu năm còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, tuy có những nét tích cực, song vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh. Trên cơ sở phân tích một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2022, bà Trần Thị Hồng Minh kiến nghị sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19 theo 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế. Theo đó, giai đoạn 1 (đến quý I-2022): ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công). Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp. Giai đoạn 3 (sau 2023): bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn. PGS. TS. Phạm Hồng Chương: Kế hoạch chống dịch đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại Đại diện Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, PGS. TS. Phạm Hồng Chương nhận định, hiện tại, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ (chỉ số sản xuất thấp, chỉ số sử dụng lao động thấp, đặc biệt ở khu vực TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương); các chuỗi cung ứng xuất hiện một số điểm tắc nghẽn chính có thể để lại một số hậu quả cần giải quyết trong năm 2022. Nhóm nghiên cứu nêu trên đã nêu ra 6 khuyến nghị. Trước hết, cần thay đổi quan điểm chống dịch, chuyển đổi hệ thống y tế sang chữa bệnh cho số bị mắc Covid-19 mà không đủ sức khỏe phục hồi và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. Thứ hai, đẩy nhanh tiêm vaccine, đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hoạt động trở lại khi đủ điều kiện. Cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ không gian giãn cách để hoạt động độc lập, tự thực hiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý. Thứ ba, đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh. Xây dựng nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi trạng thái từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”. Thứ tư, mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh. Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục chuỗi cung ứng trong bối cảnh “sống chung với dịch” khi người dân và người lao động đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19. Thứ năm, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới. Như, chính sách thu hút lao động về trở lại sản xuất, chính an sinh xã hội đối với người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở cho lao động tại các KCN không thể như trước đại dịch; cần có các chính sách hậu cần, logistics của từng địa phương, thành phố bài bản hơn theo các trung tâm logistics địa phương và được quan tâm tâm đầu tư nhiều hơn như các phương thức vận chuyển, phương tiện vận chuyển, kho hàng, bổ sung mặt hàng dự trữ quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ Quốc gia 2013 và xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới. Thứ sáu, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, địa phương và thành phố cần có sự tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các bên liên quan, phổ biến và nhân rộng chính sách hiệu quả nhanh chóng và kịp thời, đẩy mạnh khen thưởng, biểu dương những tấm gương xuất sắc trong tuyến đầu phòng chống Covid-19. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam: Nên thúc đẩy khả năng tương tác giữa các nền tảng Nhà chức trách nên xây dựng các chính sách khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và giảm bớt các rào cản gia nhập. Đồng thời, nên thúc đẩy khả năng tương tác giữa các nền tảng để giúp các bên tham gia thị trường cộng tác và đổi mới vì lợi ích của người tiêu dùng - đại diện ADB nhấn mạnh. Về các vấn đề an ninh lao động và bảo trợ xã hội, điều quan trọng là phải tạo ra một hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm và phổ cập, có tính linh động, liên kết với các sáng kiến khác và được hỗ trợ kỹ thuật số. Đặc biệt, ở các nước có thu nhập thấp, việc chuyển tiền vô điều kiện với số lượng đồng đều cho các gia đình nghèo và dễ bị tổn thương cũng có thể giúp xóa đói giảm nghèo, mở rộng bảo trợ xã hội cho những người bị gạt bên lề xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội và phân phối lại cổ tức chuyển đổi kỹ thuật số. Về các vấn đề truy cập, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, cần phải duy trì quyền riêng tư của dữ liệu, đồng thời đảm bảo rằng quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin được bảo mật và không được sử dụng để phân biệt đối xử với các nhóm cụ thể, lợi ích được phân phối công bằng và rộng rãi. Tiếp tục điều phối chính sách xuyên biên giới cũng quan trọng không kém để giải quyết tội phạm mạng. Về thuế, điều tối quan trọng là phải tăng cường hợp tác và hài hòa thuế quốc tế để bịt các kẽ hở và nắm bắt đúng lợi nhuận do nền kinh tế kỹ thuật số tạo ra. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ phải tăng lên đáng kể để hỗ trợ sự mở rộng của lĩnh vực kỹ thuật số. Áp dụng kịch bản chuyển đổi kỹ thuật số, ADB ước tính rằng sẽ cần các khoản đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số khoảng 182 tỷ USD hàng năm hoặc 910 tỷ USD ở châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian 5 năm để cung cấp các dịch vụ di động và băng thông rộng giá cả phải chăng; đồng thời, mở rộng phạm vi tiếp cận và phủ sóng internet. Hầu hết các khoản đầu tư này sẽ đến từ khu vực tư nhân. Vai trò quan trọng của các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý là tạo điều kiện và khuyến khích các khoản đầu tư đó... Là động lực thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật số, các công ty khởi nghiệp công nghệ cần được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đúng mức thông qua việc tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ - một tập hợp các yếu tố cốt lõi (tức là doanh nhân, tài năng công nghệ, ý tưởng và giải pháp) và một loạt các yếu tố hỗ trợ. Điều này bao gồm các nhà tài trợ (ví dụ: các nhà đầu tư thiên thần kinh doanh, mạng lưới nhà đầu tư và các công ty đầu tư mạo hiểm), đồng nghiệp/ cố vấn, các cơ sở ươm tạo và tăng tốc, mạng lưới, liên kết nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các chương trình khuyến khích và hỗ trợ công cộng. |