Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng trong xu thế truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, cần tăng cường PBGDPL thông qua các ứng dụng công nghệ hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo.
Ngoài ra, cần xây dựng phần mềm ứng dụng PBGDPL trên điện thoại nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và người dân…
Riêng Báo Sài Gòn Giải Phóng (một trong những đơn vị tham gia đề án) sẽ thường xuyên cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin về PBGDPL trên môi trường mạng; đồng thời tuyên truyền, xây dựng, củng cố, hình thành thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật trên internet cho cán bộ và người dân.
Trong giai đoạn 2015-2018, chương trình PBGDPL trên báo, đài với nhiều mô hình phong phú, sáng tạo đã đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân.
Cụ thể như chương trình “Pháp luật và Cuộc sống”, tiết mục “Sống và làm việc theo Hiến pháp - Pháp luật”, chương trình “Gõ cửa luật sư” trên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM; chương trình “60 giây”, “Lắng nghe và Trao đổi” trên Đài Truyền hình TPHCM; chuyên đề “Pháp luật và Đời sống”, giao lưu trực tuyến về những quy định mới của pháp luật (hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự) trên Báo Sài Gòn Giải Phóng; chuyên mục “Câu chuyện Tình và Lý”, Bàn tròn của Báo Phụ nữ TPHCM…
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.
Đáng chú ý là quận Thủ Đức thí điểm nâng cao chất lượng PBGDPL thông qua ứng dụng màn hình chờ Screen Saver của máy tính đặt tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường Linh Tây; quận Tân Phú thực hiện mô hình “Sách nói pháp luật”; Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4 xây dựng trang Facebook “Đất Cảng Quận 4” thường xuyên đăng tải các thông tin tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách.