Tăng cường tuyên truyền công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới

Đến nay, cả nước hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội, khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM vừa có công văn về quán triệt tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở thuộc Thành ủy TPHCM tham mưu cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 34 của Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu và toàn thể đoàn viên, hội viên thuộc cấp quản lý.

Ảnh chụp Màn hình 2024-06-24 lúc 14.44.11.png
Khu nhà ở xã hội EhomeS, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức

Đồng thời, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn, các đơn vị, tổ chức trực thuộc về chủ trương phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị thành phố, nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Chương trình phát triển nhà ở TPHCM, giai đoạn 2021-2030, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của địa phương, đơn vị.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM lưu ý, các hoạt động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền cần được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, đồng bộ, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền.

Các đơn vị cũng phải xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể thực hiện Chỉ thị 34; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 34, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung về phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, chương trình, hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở địa phương, đơn vị trực thuộc; kịp thời khen thưởng và nhân rộng các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.

Theo Chỉ thị 34 của Ban Bí thư, đến nay cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua các chương trình mục tiêu cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tại, biến đổi khí hậu được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội còn một số hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội chậm được đổi mới hoàn thiện, thiếu sự đột phá để thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước…

Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.

Tin cùng chuyên mục