Tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh: Giảm thiểu bạo lực học đường

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh. Từ cấp bộ, ngành đến địa phương cũng đã ban hành nhiều công văn chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, song giải pháp ngăn ngừa tận gốc vẫn còn bỏ ngỏ.

Tăng trách nhiệm của giáo viên

Ngày 2-11, phát biểu tại Hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn tâm lý trong trường học dành cho đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên tham gia tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục, ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết, học sinh phổ thông hiện nay đang đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn tới quyền của học sinh, như: áp lực học tập, bạo lực học đường, bất ổn tâm lý do ảnh hưởng từ các trào lưu xem phim sex, miệt thị ngoại hình, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Do đó, các em cần sự hỗ trợ, can thiệp một cách đồng bộ của các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có công tác xã hội trong trường học. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân là: trường học thiếu biên chế chuyên trách tư vấn tâm lý học đường, văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp thực tế xã hội, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên kỹ năng quản lý cảm xúc…

Cán bộ quản lý, giáo viên tại huyện Hóc Môn (TPHCM) tham gia tập huấn kỹ năng tư vấn tâm lý trong trường học vào sáng 2-11

Cán bộ quản lý, giáo viên tại huyện Hóc Môn (TPHCM) tham gia tập huấn kỹ năng tư vấn tâm lý trong trường học vào sáng 2-11

PGS-TS Trần Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, hiện nay nhiều giáo viên chưa đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh, hướng dẫn các em chủ yếu bằng kinh nghiệm nên chưa đạt hiệu quả cao trong công tác tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, nếu các thầy, cô giáo không có kỹ năng quản lý cảm xúc cá nhân, có biểu hiện cau mày, thất vọng, giận dữ sẽ khiến học sinh sợ hãi khi phạm lỗi, từ đó trở nên mất niềm tin, không muốn mở lòng chia sẻ, tệ hơn là thể hiện sự chống đối giáo viên.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành đang thiếu giáo viên, nhiều thầy, cô giáo phải làm nhiệm vụ “3 trong 1”, tức vừa tham gia công tác chủ nhiệm, vừa giảng dạy bộ môn, vừa làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh nên dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức, dẫn đến có lời nói và hành vi chưa chuẩn mực với học sinh. Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS ở quận trung tâm tại TPHCM cho biết, nhiều trường hợp học sinh đánh nhau xuất phát từ việc các em thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Khi xảy ra hành vi bạo lực học đường, mọi trách nhiệm thường đổ hết cho nhà trường, trong khi giáo dục học sinh cần sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và giáo viên.

Môi trường học tậpphải an toàn, thân thiện

TS Đặng Thị Huyền Oanh, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ, hiện nay công tác xã hội trong trường học bao gồm 4 mức độ: rà soát, phát hiện nguy cơ; phòng ngừa; can thiệp và trợ giúp; hỗ trợ sự phát triển của học sinh.

Tuy nhiên, đa phần giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp. Tại các trường học, hoạt động trợ giúp học sinh thường được giao trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên tổng phụ trách Đoàn, Đội. Trong khi đó, đội ngũ này hạn chế về năng lực chuyên môn, bị áp lực bởi công việc, quy định chính sách đặc thù và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục...

Cùng với đó, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc can thiệp, trợ giúp tâm lý chưa được trang bị đầy đủ, dẫn đến hoạt động của phòng tư vấn tâm lý chưa hiệu quả. Đối tượng được hỗ trợ tư vấn tâm lý mới tập trung chủ yếu ở học sinh, chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ giáo viên.

“Để giáo viên giáo dục tốt học sinh, trước hết các thầy, cô giáo cần được hỗ trợ kỹ năng giao tiếp ứng xử trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, có biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong quá trình làm việc, biết cách nhận diện sớm các hành vi nguy cơ có thể dẫn đến bạo lực học đường”, TS Đặng Thị Huyền Oanh nêu ý kiến.

Tại TPHCM, mô hình “Trường học hạnh phúc” được đẩy mạnh trong năm học 2023-2024. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, hiệu trưởng phải là người tiên phong đổi mới, biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với đội ngũ giáo viên, đồng thời có các biện pháp giúp phụ huynh thấu hiểu và đồng hành với nhà trường trong việc tạo ra môi trường học tập đảm bảo an toàn, thân thiện với học sinh.

“Khi giáo viên cảm thấy hạnh phúc, được tạo điều kiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh thì mới lan tỏa hạnh phúc, cảm xúc tích cực, giúp học sinh cảm nhận hạnh phúc khi đến trường”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

TPHCM hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”. Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí ở 3 nhóm tiêu chuẩn, trong đó các tiêu chí hướng đến việc xây dựng mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng, quan tâm đầy đủ sức khỏe thể chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhân viên, học sinh thông qua việc đảm bảo điều kiện làm việc, được ghi nhận và tôn vinh vai trò một cách xứng đáng.

Tin cùng chuyên mục