Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân; đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của chương trình. Qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong nhân dân, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của chương trình về các gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu, tạo sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm ít nhất 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%. Phấn đấu 100% các xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi. Đào tạo nghề hàng năm cho 4.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%; hỗ trợ 80% hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…