Tham dự chương trình có đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Khó khăn kép
Chia sẻ tại chương trình, nhiều doanh nghiệp cho biết, tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất vẫn diễn ra trên diện rộng và ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Những ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố là điện - điện tử, lương thực thực phẩm, cao su, hóa nhựa và dệt may… sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, thậm chí tăng trưởng âm. Do đang bị vướng cơ chế nên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không thể vay vốn từ nguồn cho vay kích cầu của thành phố trong 2 năm qua. Những doanh nghiệp đang đầu tư không được tiếp tục cấp vốn vay phải bán tài sản để “cầm cự”.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TPHCM, cho rằng thủ tục vay vốn rất phức tạp, trong khi những doanh nghiệp tiếp cận vốn kích cầu đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt cuộc thanh - kiểm tra chuyên ngành từ các sở ngành liên quan. Bản thân doanh nghiệp rất khó thanh quyết toán từ nguồn vốn hỗ trợ này. Điều này làm doanh nghiệp “ngại” vay vốn từ nguồn ngân sách.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhận định, TPHCM đã chạm đáy suy thoái. Doanh nghiệp thành phố đã và đang chịu tác động tiêu cực kép đến từ thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế không còn phù hợp với một siêu đô thị. Cùng với đó, tình trạng phụ thuộc hơn 60% nguồn nguyên liệu sản xuất từ các chuỗi cung ứng đến từ bên ngoài thành phố nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Kỳ vọng nghị quyết mới
Theo TS Trần Du Lịch, hiện thành phố đang tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn quan trọng là hạ tầng và thể chế. Cụ thể, về hạ tầng, đang tập trung xây dựng đường Vành đai 2, 3; cải tạo hệ thống rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Nước Lên... Về thể chế, giải quyết căn cơ quản lý theo hướng tăng khả năng tự chủ cho thành phố cũng như các cấp quận huyện, xóa bỏ tình trạng xin, cho. Đối với cơ chế tài chính, tiềm năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhiều, do vậy cần cải thiện cơ chế theo hướng phân cấp, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời nâng cao vai trò của hội đồng nhân dân để có những quyết sách nhanh, phù hợp với đặc thù phát triển của địa phương.
Ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, hiện UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM. Trong đó, thành phố đã chủ động xây dựng 150 đầu việc cần doanh nghiệp tham gia góp ý cũng như đầu tư. Có thể kể đến như dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hoàn thiện 7 trung tâm logistic, hỗ trợ nội lực doanh nghiệp phát triển, cải thiện hạ tầng…
Riêng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo thêm những đột phá mới về cơ chế để thành phố bắt tay cùng doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng kêu gọi doanh nghiệp cùng thành phố nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chiến lược, lộ trình, chính sách chuyển đổi, phát triển xanh, sẽ lồng ghép trong chương trình kích cầu…