“Anh em xã hội” ở đâu ra?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông L.K. (58 tuổi) - là cư dân cố cựu trên đảo Phú Quốc - nhận định: “Từ “sốt” đất mà ra”. Phú Quốc đã qua mấy lần “sốt” giá đất vào các năm 2010, 2012, 2015 và nửa đầu năm 2018. Cứ mỗi lần đất lên giá là y như rằng tình trạng tranh chấp, bao chiếm đất rộ lên. Kéo theo đó là đủ thứ hệ lụy, mà dễ thấy nhất là tình trạng thuê các đối tượng lạ mặt từ đất liền ra đảo để giải quyết mâu thuẫn. Cụm từ “anh em xã hội” là để chỉ những đối tượng này.
Ông L.H.S. (ngụ xã Dương Tơ) cho rằng, các hoạt động dịch vụ du lịch, ngoài đa số lành mạnh, tuân thủ pháp luật, cũng có không ít quán bar, vũ trường… hoạt động có “bảo kê”. “Kinh tế phát triển thì tình hình trật tự trị an sẽ phức tạp do có nhiều người ra đảo sinh sống, tìm cơ hội làm ăn. Cái chính là một số người muốn giàu nhanh bằng cách dùng thủ đoạn, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người khác… nên mới nảy sinh tội phạm”, ông L.H.S. nói.
Sau thời gian nắm bắt địa bàn, tìm hiểu thực tế ở Phú Quốc, chúng tôi nhận thấy việc người dân trên đảo nhờ tới “anh em xã hội” giải quyết công việc cho mình không phải là hiếm. Từ giao dịch nhà đất, bảo vệ đất tranh chấp, giữ đất có chủ quyền cho tới đòi nợ thay… đều thuê “anh em xã hội”. Thậm chí, có băng nhóm còn thành lập công ty dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ để tạo vỏ bọc hợp pháp. Giá cả thì tùy theo loại dịch vụ và giá trị vật chất liên quan, có trường hợp phải chi cả tỷ đồng để xong việc.
Ở Phú Quốc, những cái tên từng nổi tiếng một thời như “T. Mỡ”, “B. Mỡ”, “H. Đen”, “S. Gỗ”… nay đã là quá khứ. Thay vào đó, hàng loạt băng nhóm liên tục “mọc lên” chia địa bàn để cát cứ hoạt động. Mỗi tay “anh chị” từ đất liền ra đảo đều gầy dựng “sự nghiệp” từ một vài phi vụ trót lọt rồi tìm mua đất hoặc thuê nhà để “nuôi quân”. Băng nhóm nào ít cũng phải nuôi vài chục “số” (thành viên trong nhóm). Đặc điểm nhận dạng của các đối tượng này là hầu hết thân hình đều… xăm trổ.
Nhận diện nhiều băng nhóm
Trên thực tế, từ vài năm trước, Công an tỉnh Kiên Giang đã tăng cường lực lượng ra đóng quân thường trực trên đảo Phú Quốc. Bộ Công an cũng bố trí lực lượng cảnh sát cơ động ở khu vực xã Gành Dầu. Việc khoanh vùng, nhận diện các tay “anh chị” có “máu mặt” cũng đã được thực hiện. Thời điểm cuối năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã khoanh vùng nhận diện 163 đối tượng nghi vấn hoạt động tội phạm theo kiểu băng nhóm.
Trở lại vụ nổ súng ngày 27-10 vừa qua, Đại tá Diệp Văn Thế cho biết, qua báo cáo của các đơn vị nghiệp vụ, đối tượng tên Hai Lượng (Võ Văn Lương, 35 tuổi, quê tỉnh Cà Mau, cầm đầu nhóm nổ súng khiến 3 người chết, 3 người bị thương; vừa bị bắt trong ngày 29-10) từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, vừa ra tù chưa được bao lâu. Trong vụ việc nói trên, nhóm Hai Lượng được một phụ nữ (bước đầu xác định cùng quê Cà Mau) thuê để tranh chấp đất với nhóm của đối tượng Khúc Văn Đoài (39 tuổi, ngụ Phú Quốc).
Đến chiều tối 29-10, Trung tá Trương Sa My, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết vừa bắt thêm 7 đối tượng liên quan vụ nổ súng giải quyết mâu thuẫn giữa nhóm Võ Văn Lương (Hai Lượng) và Khúc Văn Đoài xảy ra tại xã Cửa Dương trưa 27-10.
Tính đến thời điểm này đã bắt tạm giữ 36 nghi phạm, tạm giữ 1 ô tô 16 chỗ, 2 khẩu súng (trong đó khẩu súng nghi là súng quân dụng), 19 viên đạn, 1 con dấu giả. Trong số 36 đối tượng bị bắt giữ có 4 đối tượng được xác định có vai trò quan trọng trong vụ án gồm: Nguyễn Quốc Vinh (40 tuổi, ngụ ấp Hòa Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Thái (tức Thái “Bus”, 34 tuổi, ngụ khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Bùi Đức Ngọc (30 tuổi, ngụ thôn Rúp Trung, xã Hà Thủy Nguyên, Hải Phòng); Đoàn Thiên Long (19 tuổi, ngụ phường 12, quận Tân Bình, TPHCM), là đối tượng được xác định trực tiếp nổ súng vào nhóm đối thủ.
Theo Đại tá Diệp Văn Thế, hiện lực lượng trinh sát đã khoanh vùng xác định một số băng nhóm đang hoạt động, con số cụ thể rất khó nói nhưng bước đầu tương đối đầy đủ. Quan điểm của Công an tỉnh Kiên Giang là kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm manh động, nguy hiểm hoạt động theo kiểu băng nhóm. Quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ có thể khó khăn, kéo dài nhưng vẫn phải thể hiện quyết tâm cao nhất để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Từ tháng 8 tới tháng 10-2022, Công an TP Phú Quốc đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Kiên Giang điều tra khám phá 15/17 vụ, bắt giữ 11 đối tượng tội phạm về trật tự xã hội, triệt xóa 1 đường dây và 3 tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp với các lực lượng bắt 19 vụ, tạm giữ 22 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy… Công an tỉnh Kiên Giang vừa triệt phá một phần chuyên án bóc gỡ đường dây mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ quy mô lớn, thu giữ hàng chục khẩu súng. |