Theo dự kiến, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 826 doanh nghiệp (DN) có vốn Nhà nước. Tổng tài sản của các DN là trên 3,7 triệu tỷ đồng (khối tập đoàn, tổng công ty là gần 3,4 triệu tỷ đồng); vốn chủ sở hữu của các DN là gần 1,8 triệu tỷ đồng; vốn Nhà nước đang đầu tư là trên 1,6 triệu tỷ đồng.
Tổng doanh thu năm 2021 của các DN đạt 2,1 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 205.045 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 323.876 tỷ đồng. Tuy vậy, những số liệu trên không bao gồm Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và 14 DN chưa gửi báo cáo; các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, quá trình thực hiện Luật số 69/2014/QH13 cho thấy, một trong những bất cập khiến cho việc giám sát hoạt động của DN nhà nước gặp khó khăn chính là vấn đề công bố thông tin. Bộ đánh giá, các DN có vốn Nhà nước chưa chấp hành báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu theo thời hạn yêu cầu; cơ quan đại diện chủ sở hữu có nơi còn chưa kịp thời kiểm tra, phê duyệt báo cáo tài chính của DN theo yêu cầu; số liệu báo cáo của DN chưa được đồng nhất (có nơi lấy báo cáo tài chính được kiểm toán chưa được chủ sở hữu phê duyệt; có nơi lấy báo cáo tài chính đã được chủ sở hữu phê duyệt; có nơi lấy số liệu đã điều chỉnh theo kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán…).
“Việc báo cáo, công bố, công khai thông tin của DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn hiện nay chưa thực sự đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước”, Bộ Tài chính đánh giá. Thực tế đó cũng làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các DN nhà nước, đặc biệt là các DN cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.
Đóng góp về điều này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này. Trong đó, có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt các trường hợp DN nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.
Một điểm đáng lưu ý khác là Luật số 69/2014/QH13 mới quy định trách nhiệm báo cáo của DN với cơ quan đại diện chủ sở hữu về kết quả, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư mà chưa có quy định trách nhiệm giải trình của DN đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan của Quốc hội về nội dung DN đã báo cáo; trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trước Quốc hội.
Trong khi đó, việc tăng cường trách nhiệm giải trình sẽ làm tăng hiệu quả công tác quản lý, giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại DN. Do đó, theo các chuyên gia, cần thiết phải có quy định về trách nhiệm thông tin và giải trình của DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trước hoạt động giám sát của xã hội, đặc biệt là giám sát của Quốc hội.