Chiều 15-3, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Về bảo vệ tài nguyên nước, bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học. Đồng thời quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt…
Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung mới Điều 40 về điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước theo hướng quy định trách nhiệm và nội dung thực hiện điều hoà, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.
Điều 68 về thuế, phí về tài nguyên nước cũng là một nội dung mới đáng lưu ý.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước.
Tuy nhiên, dự thảo luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Cho rằng dự án luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tương đối toàn diện và hoàn chỉnh, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh phiên họp của UBTVQH chiều 15-3 |
“Hệ thống pháp luật về tài nguyên nước vẫn còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ cơ chế phối hợp, phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, gây khó khăn cho quá trình thực thi, triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa tháo gỡ được các khó khăn này”, ông Hoàng Thanh Tùng nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị “khoanh vùng” điều chỉnh của luật này, tránh chồng chéo với các luật khác có liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam. Về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước và chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tổng kết thực tiễn, quy định thẩm quyền cụ thể trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, Sở TN-MT cấp tỉnh; đảm bảo tính thống nhất, tránh tạo kẽ hở cho tiêu cực.
Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, góp phần vào việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.