Mở rộng đối tượng áp dụng, bổ sung quy định về hợp đồng
Ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện hành được coi là bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.
Một số nội dung của Luật chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ... Một số quy định tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.
Tại phiên họp, Chính phủ trình UBTVQH xem xét dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều.
Đáng lưu ý, đối tượng áp dụng được mở rộng so với luật cũ, thêm “tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô”. Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nêu rõ nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP)…
Đáng lưu ý, nhiều nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt HĐBH, HĐBH vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền...
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ, dự thảo quy định theo hướng sau 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải áp dụng các quy định về vốn, khả năng thanh toán.
Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn thì tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.
Từ khi Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, số dư tồn Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đến thời điểm Luật này có hiệu lực (khoảng 900 tỷ đồng) được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; Bộ Tài chính quản lý và sử dụng số dư Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đảm bảo an toàn, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, không phải thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có yêu cầu.
Hết sức thận trọng khi can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN bảo hiểm
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến trong UBTVQH lưu ý ban soạn thảo về sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ quan tâm đến các quy định về thu thập thông tin (bao gồm cả thông tin giữa bên bán, bên mua và bên thụ hưởng bảo hiểm) để không tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
“Nhiều quy định trong dự thảo Luật có liên quan mật thiết với Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… Luật Doanh nghiệp cho phép một số loại hình kinh doanh đặc thù có quy định khác, nhưng nếu khác phải lý giải rất rõ tại sao. Tương tự với Luật Phá sản, Luật Chứng khoán…”, ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của một số chính sách mới trong dự thảo Luật như việc thành lập thêm các tổ chức tương hỗ, việc kiểm soát đặc biệt đối với một số tổ chức kinh doanh bảo hiểm. Theo ông, cần hết sức thận trọng và chặt chẽ khi Nhà nước can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù đây là quy định cần thiết.
“Hài hoà mục tiêu ổn định vĩ mô nhưng cũng cần tránh lạm dụng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH. ĐB Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức hội thảo, thu thập ý kiến đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và đối tượng chịu tác động của Luật.
ĐB Nguyễn Văn Hiển phản ánh, các ý kiến đều lưu ý quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật chuyên ngành để không trái với Bộ luật Dân sự, không xung đột với các đạo luật khác. Liên quan đến bảo hiểm bắt buộc, dự thảo Luật chưa quy định đầy đủ về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho một số dịch vụ công đã được xã hội hoá, nếu rủi ro sẽ có tác động lớn đến xã hội…